top-banner-2

Sự kiện Thứ hai, 21/06/2021, 09:17 GMT+7
Nhà báo Ngô Thu Lan: 'Nghề báo không dành cho người cẩu thả'

21/6 là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam - ngày tôn vinh những người làm nghề báo. Với nhà báo Ngô Thu Lan, hiện là phóng viên chuyên trách mảng Y tế - Truyền hình Thông tấn, 21 năm làm nghề, chứng kiến đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố trong công việc, chị vẫn cảm thấy thú vị từng ngày khi được sáng tạo ý tưởng, lên kịch bản, làm việc cùng ekip...

Không ít lần trăn trở vì "đứa con tinh thần" chưa được tốt như ý nguyện, cũng không ít lần nước mắt chảy ngược vào trong khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, "mẹ đẻ" của chuỗi chương trình "Ranh Giới" tự hào vì bản thân vẫn luôn nỗ lực từng ngày.

Nhà báo Ngô Thu Lan: "Nghề báo không dành cho người cẩu thả"

Series "Ranh Giới" phát sóng trên VNEWS là một chương trình truyền hình về y tế rất ấn tượng bởi nội dung giàu ý nghĩa và cách thể hiện thật mới mẻ. Chị có thể kể một chút về việc sản xuất chương trình này không thưa nhà báo Ngô Thu Lan?

Tôi học tập cách làm phim của người Mỹ, không một lời bình, tự nhân vật bày tỏ hoàn cảnh, nỗi lòng họ một cách tự nhiên như trò chuyện ngoài đời. Để làm ra 5 phút cho "Ranh Giới", ekip chúng tôi, chỉ gồm 2-3 người, có khi phải "ăn vạ" cả tuần trong bệnh viện. Dữ liệu chúng tôi có được là kết quả của quá trình theo chân bác sĩ đủ 3 ca một ngày, mỗi ca 8 tiếng; nói chuyện với bệnh nhân, người nhà của họ, không bỏ qua cả những người làm dịch vụ trong, ngoài bệnh viện…

Thực ra, nhiều y bác sĩ chẳng hề thích cánh phóng viên, báo chí chúng tôi đâu. Nhưng việc ai người đó làm mà. Chúng tôi cứ bám trụ ở đó, xem bác sĩ trực thế nào, coi nhịp độ của điều dưỡng ra sao, để họ quen với máy quay, với sự có mặt của mình. Không gì bằng "chai mặt" (cười)! Niềm vui làm nghề có thể đến từ những điều rất nhỏ bé, ví như nhờ làm quen được với bạn bảo vệ, tôi biết được chị điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Chợ Rẫy rồi mời được chị trả lời phỏng vấn dù chị chưa từng làm vậy suốt 40 năm qua…

Nhà báo Ngô Thu Lan: Nghề báo không dành cho người cẩu thả - Ảnh 2.

Vì cơ duyên nào mà "Ranh Giới" đã xuất hiện, thưa chị?

Số đầu tiên của chương trình là vào cuối năm 2018, tôi nhớ không nhầm là ngày 13/11. Lí do mà "Ranh Giới" sinh ra đơn giản thôi, nhờ đơn hàng của một tập đoàn y tế khá đình đám muốn bán máy thở trong lĩnh vực cấp cứu. Vì vậy, bên họ đồng ý tài trợ cho Đài một khoản tiền và tôi bắt đầu suy nghĩ về format mới với ý tưởng về một chương trình có thời lượng không kéo dài. Vô tình trong cuộc nói chuyện với bạn bè, từ "ranh giới" được bật ra và được tôi ghim vào đầu từ khi ấy.

Tập đầu tiên có tên là "Không giờ" và nhân vật chính là bác sĩ Hùng Ngô, mọi người thường hay gọi vui cậu ấy là Húng Ngò. Hùng chơi thân với tôi và tại thời điểm ấy, Hùng được chú ý nhiều với nhiều bài viết về y khoa khá thú vị và có cuốn sách đầu tiên bán vô cùng chạy. Tôi mời Hùng làm cố vấn cho chương trình và là nhân vật lên sóng số đầu tiên. Dù sao cậu ấy cũng chai mặt với giới phóng viên hơn là các bác sỹ khác.

Nhà báo Ngô Thu Lan: Nghề báo không dành cho người cẩu thả - Ảnh 3.

Quả nhiên, hiệu ứng không tồi. Hùng là một trong những nguồn truyền cảm hứng cho tôi làm những số tiếp theo, từ Nam ra Bắc, từ Hà Nội lại vào Sài Gòn. "Ranh Giới" lúc đó nhận được nhiều sự quan tâm lắm, lượt xem tăng đến choáng ngợp, thậm chí một video đăng tải lên Facebook nhận tới 8.000 bình luận, hơn 1 triệu view.

Chưa bao giờ có một chương trình y tế lại được khen nhiều đến vậy, bởi lẽ nhìn từ góc độ cá nhân, tôi cũng thấy phân mảng này khá buồn tẻ và khoa giáo đối với mọi người. Tôi xin nói thêm, sau 10 số được tài trợ, tôi chẳng bán được cái máy nào cho nhà tài trợ cả vì tôi không quảng cáo gì trong chương trình của mình. Mặc dù, họ rất xúc động vì "Ranh Giới" nhưng tôi cũng đành "chia tay" họ khi ấy vì không thể giúp họ tăng doanh số bán hàng (cười).

Chị ấn tượng nhất với tập nào của "Ranh giới"?

Với góc nhìn của một người mẹ thì đứa con nào cũng thật tuyệt. Tập "Đặt cược" kể những câu chuyện về sinh viên Y theo học nội trú. Đây được đánh giá là ngành dành cho sinh viên xuất sắc, một khóa có khi chỉ lấy vài người, điểm các môn học trong 6 năm đều phải trên 8, không có môn nào phải thi lại và sở hữu phẩm chất đạo đức tốt. Sinh viên, sau 3 năm theo nội trú, gần như ăn - ngủ - nghỉ 24/24h ở bệnh viện, không có thời gian dành cho yêu đương nên họ phải đặt cược chính mình là thế! Có khi, có người yêu ở tầng trên khu kí túc xá mà hằng ngày chỉ đi qua nhau rồi vẫy tay chào chứ chẳng kịp ôm hôn. Nhiều bạn nữ kinh nguyệt bị rối loạn vì mức độ làm việc căng thẳng.

Xen kẽ những tập kể về nỗi vất vả của các y bác sĩ, "Ranh Giới" cũng có những tập vui vẻ, trẻ trung như tập "Dép ngành" kể câu chuyện về những đôi dép xanh đỏ, nhìn rất vui mắt. Vì thường xuyên phải di chuyển trong bệnh viện nên y bác sĩ lựa chọn đi dép để dễ bề hoạt động chứ không chọn đi giày tây hay guốc cao. Thực ra, phải có "dép ngành" chuẩn để giúp các y bác sĩ thuận tiện hơn trong công việc nhưng chúng ta chưa làm được điều đó (dù có vẻ rất đơn giản). Hình quay đến mấy trăm giường bệnh mà lên sóng chỉ chừng 5 phút thôi.

Cuộc sống của người làm báo khá vất vả. Vậy nữ phóng viên làm truyền hình thì có nằm trong guồng quay đó không thưa chị?

Tôi nói thật, làm báo thì phong lưu, đi nhiều nơi, gặp nhiều người thú vị… thế là hơn người thường rồi. Nghề này không đủ sướng cũng không đủ khổ như mọi người nghĩ, chẳng bất hạnh đến mức bỏ việc như nhiều người vẫn nói. Tất nhiên là mọi việc đều phải đánh đổi, nhưng tôi thích điều đó. Đây là con đường tôi chọn và chưa bao giờ có ý định thay đổi. Cứ nỗ lực hết mình, tôi tin bất kì đánh đổi nào cũng đáng giá.

Nhà báo Ngô Thu Lan: Nghề báo không dành cho người cẩu thả - Ảnh 7.

Công nghệ 4.0 đang mang đến một cuộc sống số phong phú. Vậy với một người làm truyền hình, mất rất nhiều thời gian để làm ra một sản phẩm, chị có lo sợ bị lấn át không?

Thế giới biến đổi không ngừng, sau thời đại 4.0 thì sẽ còn rất nhiều thay đổi khác nữa, đó là chuyện tất yếu nên việc lo sợ bị lấn át là một việc vô nghĩa. Tôi nghĩ ai cũng có khả năng thích nghi với mọi sự thay đổi của cuộc sống. Tôi luôn update những điều mới, biến cái truyền thống thành hiện đại, những vẫn phải đảm bảo độ uy tín, chính xác của kênh thông tin chính thống, đảm bảo thị hiếu cho người xem với những tin tức nhanh, gọn và đa diện.

Theo chị, phẩm chất nào đặc biệt phải có khi làm nghề báo?

Với tôi, đó là lòng yêu nghề. Bởi một khi đã yêu nghề, bạn sẽ tự động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi những thứ liên quan đến nghề, tự động có trách nhiệm với từng sản phẩm mình làm ra. Nghề báo không dành cho người cẩu thả. Bản thân tôi làm trong mảng y tế, cứ chia sẻ được kiến thức cho nhiều người là mình vui rồi.

Nhà báo Ngô Thu Lan: Nghề báo không dành cho người cẩu thả - Ảnh 8.

Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ hiện muốn theo đuổi nghề báo không?

Tôi vừa nói rồi đó. Đam mê với nghề, chắc chắn thành công. Không yêu thì đừng làm. Tôi nghĩ điều này đúng với bất cứ lĩnh vực nào chứ không chỉ riêng nghề báo. Tôi có quan điểm đã làm gì phải làm thật tốt. Thêm vào đó, bạn nên có tự trọng nghề nghiệp, biết sửa chữa khi chưa hài lòng về sản phẩm, biết nỗ lực để ngày mai làm tốt hơn ngày hôm nay. Ai cũng chỉ sống một cuộc đời, hãy làm việc mình thích để mỗi tối được đi vào giấc ngủ cùng nụ cười. Có một giấc ngủ ngon, sức khỏe tốt, ngày mai lại là một ngày mới và có thể làm việc tốt hơn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện và xin chúc nhà báo Ngô Thu Lan thật nhiều sức khoẻ để cống hiến cho công việc!

Theo Ninh Linh - cafebiz.vn - 21/06/2021

Link nguồn: https://cafebiz.vn/nha-bao-ngo-thu-lan-nghe-bao-khong-danh-cho-nguoi-cau-tha-20210620181140549.chn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon