Ẩm thực Trần, câu chuyện chàng trai 21 tuổi tay trắng tạo dựng nên thương hiệu ẩm thực nổi tiếng Việt Nam |
Sinh ra ở vùng quê miền Trung khô cằn sỏi đá, trong một gia đình nghèo khó, 16 năm về trước, chàng trai Trần Thanh Tuấn bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực chỉ với đôi bàn tay trắng. Nếu nói về các ngành nghề kinh doanh, thì ẩm thực là con đường đầy gian truân nhất. Chàng trai 21 tuổi khi ấy tại sao lại quyết định lựa chọn con đường không “trải hoa hồng” này? Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu da - món ăn khởi nghiệp của Trần Thanh Tuấn Những khởi đầu đầy gian truân 16 năm trước, khi thực khách đến Đà Nẵng không mấy biết về món bánh tráng thịt heo hai đầu da. Nhưng Tuấn thì có một ký ức yêu thương vô cùng sâu sắc với món ăn này, bởi xuất phát từ má. Má một nắng hai sương, chạy cơm từng bữa để lo cho gia đình Tuấn. Khó khăn, nhưng những bữa cơm của má luôn đầy đủ, ấm áp. Trong các món ăn của má, món bánh tráng thịt heo là món tủ và được gia đình trông đợi nhất. Nên cuối tháng, mỗi khi được nhận tiền lương với công việc lao công ít ỏi, thì má ra chợ lựa miếng thịt ngon, rau thật tươi… để nấu dành cho các con. Và bí quyết của má chính là tô nước chấm được pha chế cực kỳ công phu, kỹ lưỡng. Mắm do má tự tay muối, rồi mang ra pha chế với các loại gia vị, thành món nước chấm đặc biệt... Có khi, bữa ăn mất hết 1/4 số tiền má kiếm được, rồi cuối tháng chỉ là cơm chan mắm. Nhưng biết các con yêu thích, má Tuấn cố gắng rất nhiều. Suốt những năm đại học ở TP.HCM, chỉ cần nhắm mắt là Tuấn lại nghĩ đến vị thơm từ món ăn của má, và nuôi một ước mơ cháy bỏng. Ước mơ ấy là: làm sao để mang món ăn của má “khoe” với nhiều người hơn; và thay đổi cuộc sống nghèo khó của gia đình mình. Hình ảnh của người má tảo tần đã thôi thúc Tuấn khởi nghiệp với ước mơ cháy bỏng đó. Học xong, Tuấn trở về quê hương và được nhận vào một công ty nhà nước với mức lương ổn định. Trong môi trường này, Tuấn có cơ hội được làm việc với các anh chị đồng nghiệp giỏi giang, đã tạo động lực để bắt đầu con đường khám phá ẩm thực đầy gian nan. Không vốn liếng, chàng trai tuổi 21 quyết định bán chiếc laptop mới mua (từ tiền vay ngân hàng) với giá 8,5 triệu đồng để lấy tiền khởi nghiệp. Những anh chị cung cấp bàn ghế, vật dụng bếp, nguyên liệu chế biến món ăn… quyết định cho Tuấn nợ, với cam kết sẽ trả trong vòng 1 năm, bởi chính đam mê và kế hoạch kinh doanh bài bản của Tuấn đã chinh phục họ. Doanh nhân Trần Thanh Tuấn Ẩm thực Trần khởi nghiệp bằng món bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da, với món nước chấm trứ danh học từ má. Cùng với đó, là những trải nghiệm nghiên cứu học hỏi để có được vị nước chấm, mà hễ ai đã một lần thưởng thức đều muốn quay lại, các món ăn tuy không quá cầu kỳ nhưng đã chạm đến trái tim của hàng vạn tín đồ mê ẩm thực. 16 năm tạo dựng là cả hành trình của chàng trai 21 tuổi này. Thương má tần tảo bấy lâu, là động lực đã giúp Tuấn đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng vẫn cố vượt qua. Và không ít gian nan trong lĩnh vực ẩm thực, khiến Tuấn muốn từ bỏ; nhưng nhìn lại những người đã tin tưởng, hết mình vì Ẩm thực Trần, thì Tuấn lại tiếp tục. Có lẽ ít ai biết đến thời điểm này khi Ẩm thực Trần đã có đến 6 cửa hàng, công ty kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Nhìn những hình ảnh, các hoạt động xã hội, cũng như thương hiệu Ẩm thực Trần, hẳn mọi người nghĩ giờ là lúc Tuấn nghỉ ngơi. Nhưng Tuấn vẫn kiên trì trên con đường kinh doanh ẩm thực, vẫn vất vả dậy trước 4 giờ sáng để kiểm tra cẩn thận các bộ phận làm món; và ngủ sau 23 giờ khi hệ thống cửa hàng đã đóng cửa. Những ngày lễ, cuối tuần mọi người được nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè; còn những người làm ẩm thực như Tuấn thì đó là món quà xa xỉ. Tuấn mộc mạc kể về những ngày đầu khởi nghiệp. Đam mê đã giúp Tuấn nghiên cứu, học hỏi chuyên sâu về dinh dưỡng, về các món ăn. Tại Ẩm thực Trần hằng năm đều tổ chức “Hội thảo chuyên đề Nâng cấp các món ăn Ẩm thực Trần”, từng món ăn được nâng niu trau chuốt. Không phải ở nơi đâu cũng có thể phục vụ được đĩa rau thủy canh; hay nước chấm được làm bằng cá cơm đỏ và cá thu trên 5 ký, chính nguyên liệu tươi nên nước chấm không có vị tanh dù thực khách thưởng thức trong phòng lạnh; vị đặc quyện của tô mì Quảng đúng chất Quảng… Đó cũng là lý do trải qua rất nhiều sóng gió, thì Ẩm thực Trần vẫn có được tình cảm của thực khách dành tặng, ủng hộ. Đó là chia sẻ của Tuấn khi nói về những dự tính trong tương lai đối với Ẩm thực Trần. Không “đao to búa lớn”, Tuấn chỉ mong muốn nhiều người hiểu hơn về lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Khó khăn luôn thường trực, còn thành công thì mong manh. Con đường đi đến thành công của Tuấn không bằng phẳng và chỉ những ai kinh doanh ẩm thực mới thấu hiểu. Từ khi gầy dựng là những lo toan về vốn liếng, khách hàng; nhưng khi đã có chỗ đứng thì càng nỗ lực gấp trăm ngàn lần để giữ vững thương hiệu. Những đêm dài không ngủ từ khi bước vào lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, nhưng anh không bao giờ từ bỏ, bởi đam mê và nhiệt huyết luôn cháy bỏng trong Tuấn. Trần Thanh Tuấn với dự án rau sạch rất lớn đang đầu tư Và một trong những khao khát lớn nhất của Tuấn, đó chính là đưa ẩm thực quê hương, không chỉ phát triển loanh quanh Đà Nẵng hay miền Trung, mà đi cả nước, và ra quốc tế. Một bước đi mạnh mẽ khác của Tuấn, đó là năm 2020 chính thức đầu tư vào một vùng rau chuyên canh rau sạch rộng lớn ở Đà Nẵng, sau 2-3 năm tìm hiểu, thu phục những nhân tài trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ để mang đến nguồn rau sạch, tốt nhất cho thực khách. Theo Bá Nguyên - thanhnien.vn - 11/10/2019 Link nguồn: https://m.thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cau-chuyen-chang-trai-21-tuoi-tay-trang-tao-dung-nen-thuong-hieu-am-thuc-noi-tieng-1135522.html?fbclid=IwAR0Nqe0dnav2D-0I4VVhEEfp_OekprBpXYtDQCHIjcp7uTxv7cxYi1fDK5M Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|