Quảng Nam thu hút doanh nghiệp trồng, chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh |
Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm.
Quảng Nam có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển sâm Ngọc Linh. Tỉnh Quảng Nam hiện có diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định khoảng 15.567 ha. Tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, khi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các sản phẩm từ dược liệu nói chung và đặc biệt là sâm Ngọc Linh sẽ được hưởng một số ưu đãi như hỗ trợ kinh phí khi làm nhà máy, thuế thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài… Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 18 doanh nghiệp đã tham gia trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh và 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu. Để thúc đẩy giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh, huyện chủ trương thu hút các doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng đang thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm tới khảo sát và tìm kiếm cơ hội làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh. "Địa phương mong muốn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho cây sâm Ngọc Linh, đưa sản phẩm ra thị trường các nước trên thế giới", ông Trần Duy Dũng thông tin. Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng đề án hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, dẫn dắt. Việc này sẽ tạo ra cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các loại sản phẩm phù hợp với thị trường, nhu cầu cũng như năng lực tiếp cận của các thành phần xã hội. Từ đó, tạo ra cơ sở để hình thành chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giúp sâm Ngọc Linh sẽ phát triển tốt hơn, từng bước vươn ra thị trường thế giới. Trồng sâm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng cao Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao..." là tín hiệu tích cực để đưa sâm Việt Nam đến với thị trường nước nước trên thế giới. Để chương trình phát triển sâm Việt Nam đi vào thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cây sâm Việt Nam là một loại rất quý. Đồng thời huy động nguồn lực (Nhà nước và xã hội) để đầu tư, phát thành sản phẩm quốc gia; nghiên cứu khoa học, di thực, làm ra nhiều sản phẩm, tăng cường quảng bá trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần phải có hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp với thực tế để các thành phần kinh tế bên ngoài cùng bắt tay vào thực hiện. Có như vậy thì dần mới hành thành nên ngành công nghiệp sâm. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, đồng thời đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. (Nguồn: Baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|