top-banner-2

Vì cộng đồng Thứ tư, 21/06/2023, 16:30 GMT+7
'Chuyến đi diệu kỳ' của những đứa trẻ trên núi cao

Sinh ra và lớn lên với bàn chân trần lem lấm trên triền núi cao, chuyến thăm và vui chơi, tắm biển ở thành phố như một giấc mơ thần tiên của những đứa trẻ nghèo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đúng nghĩa là một chuyến đi diệu kỳ. 

Chuyến đi diệu kỳ của những đứa trẻ trên núi cao - Ảnh 1.

Những học sinh vùng núi cao lần đầu tiên được thấy phố, thấy biển - Ảnh: B.N.

"Cô ơi, vì sao biển lại có vị mặn? Nếu biển mặn như thế này thì mình bỏ túi bóng rồi mang về cho mẹ nấu ăn để đỡ tốn tiền mua muối". "Em muốn tắm ở đây một tháng mới về". "Lần đầu được đi siêu thị, thấy thang máy đưa người lên xuống thì lũ trẻ về nằm ngủ và cả đêm kể cho nhau về "cái hộp gì mà nó chở người chạy lên chạy xuống""...

Đó là một ít trong "1.001 câu hỏi" trong sự háo hức, lạ lẫm và như một thế giới diệu kỳ mà những đứa trẻ miền núi đặt ra cho các thầy cô giáo trong hành trình lần đầu xuống phố.

Tụi nhỏ vừa xuống xe là khoe nào ba lô mới, nào áo, ảnh, nào quà, kể đủ chuyện như chuyện "nước biển mặn chát"... Tất cả sẽ mãi là kỷ niệm không thể nào quên.

"Chuyến đi diệu kỳ"

Lý do của hành trình đó cũng thật đẹp: một người trẻ sau nhiều năm lên núi, thấy sự khó khăn thiệt thòi của trẻ nhỏ vùng cao thì người này đã viết status bày tỏ sự trăn trở, đồng thời nói muốn đưa lũ trẻ về phố vui chơi vài ngày.

Ý tưởng đó ngay lập tức nhận được những cánh tay giơ lên. Người nhận bao xe, người lo khách sạn, người bao ăn, người thì nhận tour tham quan... Hành trình xuống phố diễn ra đẹp như câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường.

Thành phố Đà Nẵng những ngày đầu tháng 6 đang nhộn nhịp người khắp nơi đổ về để xem pháo hoa. Nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên bãi biển, ở hai bên chân cầu Rồng hoặc ở siêu thị, hình ảnh 55 đứa trẻ đen nhẻm, đầu tóc vàng khét mặc những chiếc áo đồng phục có in nội dung "Bạn nhỏ vùng cao xuống phố" khiến nhiều người tò mò.

Đây là những vị khách vô cùng đặc biệt, đến với TP Đà Nẵng trong dịp lễ hội pháo hoa nhưng hành trình của các vị khách này đong đầy tình cảm và sự yêu thương.

Anh Nguyễn Bình Nam - cán bộ một doanh nghiệp nhà nước đóng tại Đà Nẵng, chủ nhiệm CLB tình nguyện Bạn thương nhau quy tụ hàng ngàn thành viên khắp cả nước nhiều năm qua - đã miệt mài lên núi vận động xây 13 điểm trường vùng cao ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị... Một đêm cuối tháng 4, câu chuyện chuyến đi trên núi để tổ chức chia tay cuối năm học cho lũ trẻ trên núi đã khiến anh Nam trăn trở.

Sau nhiều đắn đo, anh Nam đăng trên Facebook cá nhân của mình dòng status với nội dung: "Sẽ thế nào nếu một ngày nào đó những đứa trẻ học giỏi nhất ở các trường miền núi, nơi khó khăn nhất được các cô chú đưa xe đón xuống núi rồi ở khách sạn, ăn nhà hàng, đi tắm biển?".

Chỉ sau mấy ngày, một kế hoạch đã được vạch ra, từ suy nghĩ mông lung ban đầu, một hành trình đưa trẻ xuống núi đẹp như câu chuyện cổ tích đã thành kế hoạch thật.

CLB Bạn thương nhau đã quyết định chọn những ngày đầu của kỳ nghỉ hè để tổ chức chuyến du lịch về thành phố cho trẻ. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi nhất của 14 trường tiểu học, THCS ở các huyện đặc biệt khó khăn của Quảng Nam, Quảng Ngãi được chính các thầy cô xét chọn.

Kế hoạch đưa trẻ xuống núi, về thăm thành phố cũng được các thầy cô giáo và nhóm Bạn thương nhau thông qua chính quyền địa phương.

Chuyến đi diệu kỳ của những đứa trẻ trên núi cao - Ảnh 3.

Các bạn nhỏ đi xem phim - Ảnh: B.N.

Hành trình không thể nào quên

Với mong muốn cho những đứa trẻ trên núi cao chuyến trải nghiệm đặc biệt, mãi trở thành kỷ niệm trong ký ức tuổi thơ để từ đó nỗ lực học hành, truyền cảm hứng cho những bè bạn vùng khó khăn, những gì tốt đẹp nhất cho chuyến đi đã được các thành viên trong CLB Bạn thương nhau chung tay. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là vận động các bậc phụ huynh đồng ý để con em họ rời vòng tay cha mẹ và lên xe xuống thành phố.

Cô Đỗ Thị Bình - hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) - cho biết vùng Trà Phong nơi cô đứng lớp điều kiện rất khó khăn. Trẻ em gần như chỉ quanh quẩn ở làng, chưa một lần ra khỏi rừng núi. Bởi vậy sau khi chọn được năm học sinh xứng đáng nhất, các thầy cô giáo phải tới tận từng nhà để vận động cha mẹ học sinh đồng ý cho con ra phố.

"Khi gặp các thầy cô giáo, một số phụ huynh vì ngại nên đồng ý nhưng thực tế chúng tôi hiểu họ có nỗi lo. Các thầy cô phải nhiều lần vận động, cam kết và hứa sẽ cho các cháu một trải nghiệm đáng nhớ thì các cha mẹ lúc đó mới gật đầu" - cô Bình kể.

Những ngày đầu tháng 6, những chuyến xe khách từ thành phố ngược lên tận các trường tiểu học dưới chân núi để đón các học sinh trong sự háo hức đi về thành phố. Đưa chân các em là các bậc phụ huynh, từng thầy cô lòng vừa mừng nhưng cũng chất chứa nỗi lo vì con em mình chưa một lần đặt bàn chân ra khỏi rặng núi.

Phải mất nửa ngày, chuyến xe chở theo 55 học sinh đầu tóc khét nắng từ núi cao cùng 14 thầy cô ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mới đặt chân được đến TP Đà Nẵng. So với hình ảnh lem luốc khi ở làng, những đứa trẻ "lần đầu xuống phố" đã được "trang bị tận răng": được mặc những bộ quần áo mới, dép mới, nón mới, đầu tóc thơm phức mùi dầu gội đầu... Các thầy cô giáo và tình nguyện viên đã chu đáo chuẩn bị từng đôi dép, tết từng mái tóc để học sinh mình ra phố.

Đưa trẻ xuống núi là hành trình yêu thương lần đầu tiên được thực hiện đối với trẻ em vùng núi cao. Để chuyến đi trọn vẹn nhất, có những nhà hảo tâm âm thầm tại Đà Nẵng đã chuẩn bị khách sạn cao cấp, người thì tài trợ nhà hàng, người thì khu vui chơi, có người lại tình nguyện đứng ra thiết kế tour để trực tiếp dẫn những vị khách nhí trong suốt quá trình tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Một buổi chiều bên bãi biển Đà Nẵng, màu áo đồng phục da cam in dòng chữ "Bạn nhỏ vùng cao xuống phố" khiến bãi biển chộn rộn. Những đứa trẻ trên núi cao lần đầu tiên được bước ra bãi biển, chạm bàn chân non xuống làn nước chát mặn thì không giấu khỏi niềm sung sướng. Với học trò lớn lên giữa rừng núi, biển trong mường tượng của các bạn nhỏ chỉ là hình ảnh tưởng tượng ra từ trang sách giáo khoa, tập phim hoạt hình được cô giáo chiếu cho xem trên lớp.

Cô Trà Thị Thu - giáo viên Trường xã Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết ngay từ khi biết được đưa lên xe để về thành phố "du lịch", những đứa trẻ ở Trà Tập mà cô dẫn theo hầu như chẳng chịu ngủ. Khi xe về đến thành phố, những tòa nhà và xe cộ hiện ra qua cửa kính ô tô khiến lũ trẻ ồ lên trong sự lạ lẫm.

"Vui nhất là khi xuống tắm biển, lũ trẻ thấy nước biển mặn chát thì tìm tới cô để hỏi đủ câu như vì sao nước biển lại mặn, vì sao biển lại không có bờ? Có em còn lấy chai nhựa đổ đầy nước biển vào rồi bảo rằng sẽ làm quà để mẹ... đỡ phải mua muối. Khi đi vào siêu thị, đứng trên thang máy lao lên vút xuống giữa các tầng, lũ trẻ tíu tít với nhau rằng ước gì trên núi có "cái hộp biết chạy" như thế thì đỡ phải đi bộ hàng giờ để xuống núi đi học" - cô Thu kể.

"Tour du lịch" độc nhất vô nhị

Trong những ngày ngắn ngủi, 55 trẻ em vùng cao được người thành phố tài trợ để thăm thú, trải nghiệm hành trình ở TP Đà Nẵng, phố cổ Hội An. Những chuyến xe chở các vị khách đặc biệt tới đâu đều gây sự chộn rộn, nhiều người thành phố lẫn du khách khi biết câu chuyện đều bày tỏ sự xúc động.

Không chỉ trải nghiệm phố cổ Hội An và đi tắm biển, những học sinh trên núi cao còn được tặng những vị trí đẹp nhất để xem lễ hội pháo hoa, ăn uống ở các nhà hàng sang trọng. Hành trình các bạn nhỏ đi tới đâu còn được các cô chú đi theo để chụp ảnh ghi lại các khoảnh khắc đáng nhớ và bỏ vào cuốn album nhỏ kèm những món quà yêu thương trước khi về lại làng.

(Nguồn tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon