Giá điện tăng, mỗi tháng người dân trả thêm bao nhiêu? |
Chiều 9-11, sau khi ban hành các quyết định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi họp trao đổi thông tin về điều chỉnh giá điện. Họp trao đổi thông tin về tăng giá điện - Ảnh: NAM TRẦN Theo quyết định quy định về giá điện được Bộ Công Thương ban hành, giá bán lẻ điện bình quân được tăng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) từ hôm nay 9-11. Như vậy, giá bán điện mới được áp dụng từ hôm nay đã tăng thêm 4,5% so với giá bán lẻ hiện hành là 1.920,3 đồng. Quyết định của Bộ Công Thương đã quy định cụ thể giá bán điện cho từng nhóm khách hàng. Trong đó, đối với khách hàng dùng điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện được áp dụng cho 6 bậc. Bao gồm, bậc 1 từ 0 - 50 kWh là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 từ 51 - 100 kWh là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 - 200 kWh là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 từ 201 - 300 kWh là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 là 3.050 đồng/kWh. Bậc 6 áp dụng cho 401 kWh trở lên có giá là 3.151 đồng/kWh. Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh EVN - cho biết mỗi tháng đối với khách hàng sử dụng bậc 1, tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng; bậc 2 tăng thêm là 7.900 đồng; bậc 3 tăng thêm là 17.200 đồng; bậc 4 tăng thêm tối đa là 28.900 đồng; bậc 5 số tiền tăng thêm là 42.000 đồng; bậc 6 có tiền điện tăng thêm là 55.600 đồng. Với các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, ông Dũng cho biết số tiền tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng và tỉ lệ sử dụng điện ở từng thời điểm cao điểm và thấp điểm. Trong đó, theo tính toán với ngành dịch vụ, tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 230.000 đồng/tháng; với nhóm sản xuất, bình quân mỗi hộ phải trả là 423.000 đồng; với khách hàng hành chính sự nghiệp sẽ phải trả thêm là 90.000 đồng. Về cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Đình Phước - kế toán trưởng EVN - cho biết căn cứ thực hiện là quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, trong cơ cấu nguồn điện, sản lượng điện từ thủy điện giảm do hạn hán và hiện tượng El Nino, giá nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức rất cao, giá than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021... Kế toán trưởng EVN thông tin về khoản thu tăng thêm sau khi tăng giá điện - Ảnh: NAM TRẦN Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc tăng giá có đủ bù đắp chi phí và giúp EVN cân bằng được tài chính hay không, ông Nguyễn Đình Phước cho hay việc điều chỉnh tăng 4,5% giúp cho tập đoàn tăng thêm doanh thu là 3.200 tỉ đồng, giảm bớt phần nào khó khăn. Mức tăng lần này, theo ông Phước, vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên để đảm bảo an sinh xã hội và các chỉ tiêu kinh tế xã hội, nên EVN đề xuất tăng ở mức vừa phải. Ông phân tích với giá thành sản xuất điện, thì chi phí sản xuất chiếm 83%, còn lại 17% chi phí các khâu truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ liên quan. EVN cũng đưa ra các giải pháp cắt giảm 15% chi phí thường xuyên tại các đơn vị, sửa chữa lớn cũng giảm mạnh; tiết kiệm điện chiếu sáng tại các cơ quan, tổng công ty… Tuy nhiên, ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - phân tích rằng mức tăng giá điện lần này chưa tính phân bổ khoản chênh lệch tỉ giá của EVN còn treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỉ đồng. Mức tăng này tác động tới chỉ số giá tiêu dùng của năm nay là 0,035%. (Nguồn: Tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|