Nâng mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế, du lịch có kịp về đích? |
Sau khi hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế sớm hơn tới 3 tháng, ngành du lịch mới đây đã quyết định nâng mục tiêu cả năm lên 12,5 - 13 triệu lượt khách. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, ngành du lịch hiện có thể yên tâm với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2023. Đến hết tháng 9, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,8 triệu lượt (vượt mục tiêu đặt ra trong cả năm là 8 triệu lượt), du lịch nội địa đạt khoảng 93 triệu lượt. Theo ông Việt, có được kết quả này là do chuyển biến tích cực của xu hướng du lịch trên thế giới và quan trọng nhất là nhờ những chính sách mới rất cởi mở, thông thoáng của chúng ta. Trong đó, việc tháo gỡ những điểm nghẽn về xuất, nhập cảnh đối với khách quốc tế đã tạo cú hích tích cực. "Theo tính toán, trong những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng ít nhất chúng ta có thể đón 1,1 đến 1,2 triệu lượt khách quốc tế, nhất là trong tháng 12, vào dịp Giáng sinh và năm mới. Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách cả năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu", ông Việt nói. Ngành du lịch nâng mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Công Hiếu) Nhận định về kế hoạch "chơi lớn" này, nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự lạc quan và khẳng định, ngành du lịch Việt Nam sẽ "chạy nước rút" thành công. Ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, cho rằng đây là mục tiêu khả thi, hoàn toàn có thể đạt được khi mà mùa cao điểm đón khách quốc tế mới chỉ bắt đầu. “Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhất vì họ rất thích mùa thu và mùa xuân ở Việt Nam. Vì thế, từ giờ đến cuối năm và sang đến đầu năm sau, lượng khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng. Ba tháng cuối năm, tôi kỳ vọng ngành du lịch sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách nữa, kịp hoàn thành mục tiêu mới trước khi kết thúc năm 2023”, ông Nghĩa nhận định. Dẫn chứng về lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh dịp cuối năm, ông Nghĩa cho biết Vietfoot Travel thời điểm hiện tại đã có những đoàn khách đăng ký sang Việt Nam từ cuối tháng 10 và rải rác trong hai tháng còn lại. Đồng quan điểm, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour, cũng nói: “Quý IV hàng năm là mùa cao điểm đón khách inbout (khách vào Việt Nam), cộng với xu hướng du lịch trên thế giới phục hồi tốt nên con số 13 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn khả thi và phù hợp. Hiện Vietluxtour đã có nhiều tour vào ba tháng cuối năm phục vụ khách quốc tế. Chúng tôi dự báo những ngày tới, lượng khách còn tiếp tục tăng”. Thị trường chưa phục hồi toàn diện Nhận định về nguyên nhân giúp ngành du lịch Việt Nam sớm vượt mục tiêu đón khách quốc tế, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, gần đây với chính sách cởi mở của Chính phủ, việc nới lỏng visa thông thoáng hơn đã thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. “Chúng ta hy vọng quý IV với chính sách cởi mở và thời tiết thuận lợi hơn các nước khác thì Việt Nam vẫn thu hút được khách quốc tế. Du lịch sẽ là điểm sáng và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để nâng mục tiêu đón khách quốc tế lên 13 triệu lượt khách, khi 9 tháng đạt 8,8 triệu lượt thì bình quân mỗi tháng sẽ cần đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Chúng ta đặt mục tiêu để phấn đấu khi có cơ sở như thế là rất tốt nhưng thực tế số khách du lịch đạt được hiện nay mới chỉ bằng khoảng 69% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19”, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm khuyến cáo Vì thế theo ông Lâm, vẫn cần thêm những chính biện pháp, sách tháo gỡ bất cập. "Câu chuyện về thị thực, visa chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Khách quốc tế vào Việt Nam thường sẽ xem môi trường du lịch có thuận lợi không, có những điểm thu hút không hay các giá trị văn hóa có gì độc đáo?Nếu khách vào Việt Nam du lịch mà thời gian ở lại thì ngắn, không có nhiều dịch vụ để chi tiêu hay trong nhiều trường hợp an ninh xã hội chưa thật sự tốt thì khách đến một lần họ sẽ không quay lại nữa”, ông Lâm phân tích. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay chỉ bằng khoảng 69% so với năm 2019. (Ảnh minh họa: Báo Quốc tế) Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cũng nhận định hoạt động du lịch vẫn chưa phục hồi một cách toàn diện, ngay cả ở các trung tâm du lịch lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nguyên nhân khách quan có thể kể đến như xung đột Nga - Ukraine, việc khách du lịch Trung Quốc chưa đến nước ngoài nhiều hay nguyên nhân chủ quan đó là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương vẫn hạn chế. Bên cạnh đó, sau COVID-19, khách du lịch đã thay đổi xu hướng du lịch, tổng cầu suy yếu, chi tiêu ít và hoạt động ít. Do vậy, lượng khách du lịch có thể đã tăng lên nhưng hoạt động chưa hoàn toàn phục hồi. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung, đi sâu vào các giải pháp để thu hút khách quốc tế. Cục Du lịch quốc gia sẽ tham mưu để tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long… Đầu năm 2023, Thái Lan cũng tăng mục tiêu đón khách quốc tế từ 10 triệu lên 30 triệu lượt khi xuất hiện các điều kiện thuận lợi. Indonesia cũng có điều chỉnh tương tự khi nhận thấy số liệu dự báo đầu năm không còn phù hợp với tình hình thực tế. (Nguồn: Vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|