Đón sóng đầu tư từ các chaebol công nghệ |
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng mở ra làn sóng đầu tư thứ ba của các chaebol - tên gọi các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc - vào Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại khu đô thị phía tây hồ Tây, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN Đồng thời kết nối chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao và hợp tác đầu tư bền vững sẽ là những trọng tâm thời gian tới trong quan hệ đầu tư Việt - Hàn. Kỳ vọng làn sóng đầu tư thứ ba Chủ tịch Tập đoàn Hyosung khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm tới Hàn Quốc vào ngày 1-7 đã nhấn mạnh Hyosung đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam. Trong đó trung tâm dữ liệu tại TP.HCM sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất. Nhiều chaebol lớn của Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cũng khẳng định tầm nhìn và chiến lược mở rộng, đầu tư lâu dài tại Việt Nam... Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thị Thúy Hương - ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cho hay Hàn Quốc đang dẫn đầu trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam và lĩnh vực điện tử. Sự đầu tư bài bản và chiến lược của các chaebol Hàn Quốc như Samsung, LG... đã giúp các tập đoàn công nghệ, điện tử thế giới phải nhìn nhận Việt Nam như một "cứ điểm" quan trọng trong sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng. "Từ năm 2016 - 2017, Samsung đã dịch chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Với sự hiện diện của bốn nhà máy quy mô lớn và gần đây là trung tâm R&D đã cho thấy tính cam kết cao của tập đoàn này. Đặc biệt việc Samsung và LG cùng xuất màn hình OLED cho chuỗi cung ứng toàn cầu đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với nhiều ông lớn công nghệ khác như Apple", bà Hương đánh giá. Do vậy cùng với việc hai nước nâng cấp Đối tác chiến lược toàn diện và chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc đang diễn ra, bà Hương kỳ vọng sẽ có một làn sóng đầu tư thứ ba của Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Làn sóng đầu tiên khi đầu tư vào Việt Nam những năm 1990, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Năm 2012, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam tăng vọt tạo nên làn sóng thứ hai với nhiều nhà máy sản xuất gia công được xây dựng. Dự kiến làn sóng đầu tư thứ ba sẽ diễn ra trong thời gian tới khi hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với dòng vốn chất lượng cao, tập trung công nghệ. Ông Lee Jae Min - trưởng văn phòng đại diện KIAT ASEAN, Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KIAT) - cũng chia sẻ rằng Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất với 87 tỉ USD và hơn 10.000 dự án vào Việt Nam, cho thấy tầm nhìn của các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte, SK, LG... Bởi không chỉ các chaebol mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung cũng đang theo đuổi chiến lược mở rộng đầu tư ra khỏi phạm vi các ngành công nghiệp sơ cấp và thứ cấp để mở rộng sang các ngành công nghiệp 4.0. Trong khi các tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư nhiều hơn vào những ngành công nghiệp mới, Việt Nam cũng đang tập trung cho chuyển đổi số, đó sẽ là cơ hội cho hai bên hợp tác chặt chẽ hơn. Dẫn chứng về trung tâm R&D mà Samsung đã đưa vào hoạt động tại Hà Nội, ông Lee cho rằng điều này giúp đào tạo nhân lực kỹ thuật cao. Đồng thời việc Samsung ký biên bản ghi nhớ với Trung tâm Đổi mới quốc gia (NIC) sẽ hiện thực hóa việc triển khai các hoạt động phát triển công nghệ tiên tiến. "Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc chia sẻ để xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định, Việt Nam - Hàn Quốc cũng sẽ thực hiện phương án hợp lực bằng cách liên kết nguồn tài nguyên khoáng sản thiết yếu của Việt Nam như đất hiếm... với công nghệ tiên tiến. Nhiều công ty Hàn Quốc cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các ngành như năng lượng công nghệ cao, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn thông qua chuyển đổi số. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi mong đợi sự hợp tác tích cực hơn nữa giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong tương lai", ông Lee nhận định. Các kỹ sư đang lắp ráp dây chuyền sản xuất tự động hóa của Công ty Autotech để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: N.KHANG Kích hoạt các hợp tác tương lai Từ thực tế trên, định hướng mở thêm nhà máy, rót thêm vốn đã được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tính đến. Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 2-7, Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong bày tỏ cam kết đồng hành cùng Việt Nam cũng như có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong ba năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất màn hình (OLED) lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Hồi tháng 5, khi lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này gặp Thủ tướng cũng cho biết sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD mỗi năm tại Việt Nam. Đến nay Samsung đã có hợp tác với 310 nhà cung ứng Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, tăng gấp 12 lần so với cách đây đúng 10 năm. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng nhiều cho thấy sự nỗ lực từ nhiều phía để tạo sự liên kết, mang lại lợi ích bền vững cho các bên. Autotech, một doanh nghiệp nội địa Việt Nam, đã trở thành nhà cung ứng thường xuyên cho Samsung Display cũng như nhiều doanh nghiệp khác như Dreamtech, KCI, Canon... về giải pháp công nghệ tự động hóa. Bà Phạm Thị Hương - nhà sáng lập Autotech - chia sẻ để có thể bắt tay hợp tác được với các tập đoàn đa quốc gia, việc đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực, hệ thống quản lý và trang thiết bị để mang đến những sản phẩm dịch vụ theo chuẩn tiêu quốc tế là ưu tiên hàng đầu. Chia sẻ về câu chuyện đầu tư tại Việt Nam, ông Choi Seung Ho, tổng giám đốc Công ty TNHH cáp Taihan Vina, cho hay đã đầu tư tại Việt Nam từ năm 2006. Đến nay Taihan Vina là công ty sản xuất cáp lớn nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, sở hữu công nghệ chế tạo cáp điện hiện đại nhất thế giới và vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa. Nhận định thị trường tiêu dùng Việt Nam sẽ không ngừng mở rộng, cũng như Việt Nam đóng vai trò là trung tâm sản xuất của châu Á, ông Choi cho biết Taihan Vina đang xem xét đầu tư thêm trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cũng như dự định xây dựng thêm nhà máy thứ hai tại Hà Nội. Để các hoạt động đầu tư này đạt hiệu quả hơn, ông Choi mong muốn sớm có những tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, hỗ trợ thuế...
Dữ liệu: Như Bình - Đồ họa: TẤN ĐẠT Doanh nghiệp mong có thêm cơ chế hỗ trợ Ông Lee Jae Min cũng cho rằng để các khoản đầu tư mới chất lượng cao được kích hoạt, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện thêm các chính sách, quy định và có những hỗ trợ cụ thể. Đồng thời cần có sự đổi mới trong chính sách để không cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp, công nghệ mới, thị trường mới, gắn với chú trọng bồi dưỡng và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng tình, bà Đỗ Thị Thúy Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ, điện tử trong tiếp cận vốn, tín dụng và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, cần có chính sách kết nối chuỗi cung ứng khi thu hút các chaebol công nghệ Hàn Quốc vào Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và giúp doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào chương trình xây dựng nhà máy thông minh để nâng cao năng lực, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ làn sóng đầu tư thứ ba của các chaebol Hàn Quốc sắp tới. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|