top-banner-2

Vì cộng đồng Thứ năm, 19/06/2014, 15:14 GMT+7
Somaly Mam - sự sụp đổ của biểu tượng đấu tranh nhân quyền ở Campuchia

Mới đây, cộng đồng quốc tế bị sốc khi Somaly Mam (44 tuổi) xin rút lui khỏi tổ chức từ thiện mang tên cô Somaly Mam Foundation (SMF), có trụ sở tại Mỹ. Cô Mam từng được xem là người hùng của phụ nữ Campuchia, lọt vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất hành tinh năm 2009 theo bình chọn của tạp chí Time và được rất nhiều quan chức Chính phủ Mỹ cũng như các ngôi sao Hollywood bày tỏ ủng hộ.

Với vai trò nhà hoạt động vì quyền của trẻ em mồ côi tại Campuchia, Mam đã huy động được nhiều triệu USD cho các tổ chức từ thiện tại quốc gia này. Somaly Mam đã nhiều lần được vinh danh trên trường quốc tế. Cô từng nhận giải Hoàng tử Asturias năm 1998, được CNN bầu chọn là Người anh hùng của năm 2006, được tạp chí Glamour bình chọn là Người phụ nữ của năm 2006. Bộ Ngoại giao Mỹ trao cho cô giải thưởng Người hùng chống nạn buôn người, được báo Anh Guardian, tạp chí Time, báo Daily Beast tôn vinh cùng rất nhiều giải thưởng khác. Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, các nữ diễn viên Mỹ tài danh như Meg Ryan, Susan Sarandon, Shay Mitchell và thậm chí cả nhà báo đoạt giải Pulitzer Nicholas Kristof của báo New York Times từng lên tiếng ca ngợi Mam với những lời lẽ tốt đẹp nhất. Nữ hoàng Tây Ban Nha Sofia đã cổ động cho chương trình của Mam trong nhiều năm, thậm chí từng đến thăm Mam khi cô bị bệnh.

Nhưng ánh hào quang đó đã tan vỡ. Những tiết lộ mới về Somaly Mam đã xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh biểu tượng về đấu tranh cho phụ nữ và nhân quyền ở Campuchia. Sự thật về Mam bị tạp chí Newsweek lột trần trong số ra ngày 21-5-2014.

somaly-mam-3

Somaly Mam từng là người hùng ở Campuchia - Ảnh: New York Time

Quá khứ đau thương giả dối

"Lòng thương hại là một cảm xúc nguy hiểm. Campuchia cần phải rũ bỏ tâm lý kẻ ăn mày và người nước ngoài nên thận trọng"

Cuốn tự truyện The road of lost innocene (Con đường đánh mất sự ngây thơ) của Mam, xuất bản năm 2005 trở thành một trong những cuốn sách ăn khách nhất trên phạm vi quốc tế.

Trong cuốn tự truyện Mam kể cô là trẻ mồ côi, từ năm 1979 bị một gã đàn ông tự xưng là “ông nội” biến thành nô lệ. Khi cô mới 14 tuổi, “ông nội” bán cô cho một thương nhân Trung Quốc, sau đó bị ép phải kết hôn với một gã lính tính tình cục cằn. Sau đó, cô bị bán vào một nhà thổ ở Phnom Penh.

Mam kể tại nhà thổ này cô bị tra tấn bằng điện, bị lạm dụng và phải làm gái điếm trong suốt gần 10 năm. Năm 1991 cô gặp một người Pháp tên Pierre Legros, họ cưới nhau và chuyển đến Pháp hồi đầu thập niên 1990. Năm 1994, hai vợ chồng trở lại Campuchia và Mam thành lập tổ chức từ thiện AFESIP nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi Campuchia. Somaly Mam trở nên nổi tiếng và AFESIP mở rộng hoạt động tới Lào, Thái Lan, Việt Nam, Pháp, Thụy Sĩ... Sau đó, Mam lập quỹ SMF và trở thành một biểu tượng nhân quyền quốc tế.

Mam khẳng định đã giải cứu hàng nghìn trẻ mồ côi nữ bị ép rơi vào con đường bán dâm tại Campuchia. Năm 2009, nhà báo Nicolas Kristof viết bài trên báo New York Times về cô gái mà Mam giúp đỡ là Long Pross. Theo đó, Pross bị bắt cóc, bị bán vào nhà thổ và cũng bị tra tấn bằng điện, bị một gã ma cô móc mắt bằng mảnh kim loại. Rồi Pross được Mam giải cứu và trở thành một thành viên của tổ chức từ thiện mà cô quản lý.

Nhưng tạp chí Newsweek mở cuộc điều tra và phát hiện sự thật từ gia đình Pross, hàng xóm và các bác sĩ. Thực tế Pross bị khối u ở mắt phải và được phẫu thuật năm 13 tuổi. Bệnh án là bằng chứng rõ ràng cho thấy Pross dối trá. Một “ngôi sao” nữa của Mam là Meas Ratha, từng lên truyền hình Pháp năm 1998 kể quá khứ bị bán vào nhà thổ, trở thành nô lệ tình dục. Cuối năm ngoái, Ratha thú nhận đã dựng chuyện về quá khứ của mình theo sự chỉ đạo của Somaly Mam. Trước khi lên truyền hình Ratha đã được Mam mớm lời, hướng dẫn cụ thể để diễn sao cho đạt.

Cả Ratha và Pross đều không phải là nạn nhân buôn người hay bị ép trở thành gái điếm. Ratha và chị gái được đưa tới AFESIP năm 1997 vì cha mẹ của cô không thể nuôi nổi bảy người con. Cả quá khứ của Mam cũng đầy những dối trá. Newsweek điều tra và cho biết nhiều người dân làng Thloc Chhroy chưa hề gặp gã “ông nội”, tên thương nhân Trung Quốc và gã lính cục cằn mà Mam kể. Một cựu quan chức làng cho biết Mam đến làng với cha mẹ của mình. Một bà chị họ của Mam khẳng định “ông nội” không hề tồn tại.

somaly mam-2

Với vai trò nhà hoạt động vì quyền của trẻ em mồ côi tại Campuchia, Mam đã huy động được nhiều triệu USD cho các tổ chức từ thiện tại quốc gia này. Nhưng việc việc Mam dối trá & bịa chuyện về ấu thơ của mình khiến nhiều người bị sock

Lợi dụng lòng từ thiện

Các bạn học cũ và giáo viên trường làng ở Thloc Chhroy đều cho biết Mam được đi học đàng hoàng và sống hạnh phúc. Bản thân Mam cũng đưa thông tin mâu thuẫn về quá khứ của mình. Hồi tháng 2-2012 khi phát biểu ở Nhà Trắng, Mam kể cô bị bán làm nô lệ năm 9 hoặc 10 tuổi, sống 10 năm trong nhà thổ. Trong chương trình truyền hình của siêu mẫu Tyra Bank, cô nói phải làm gái điếm trong 4-5 năm. Trong tự truyện cô viết bị đem bán khi 16 tuổi.

Năm 2012, Mam từng thú nhận đã bịa chuyện khi nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng tám cô gái trẻ mà cô giải cứu từ nhà thổ bị quân đội Campuchia sát hại hồi năm 2004.

Cô từng kể trên tạp chí Glamour và báo The New York Times rằng những kẻ buôn người bắt cóc con gái 14 tuổi của cô và gửi đoạn băng ghi hình cô bé bị cưỡng dâm tập thể tới cô để trả đũa những nỗ lực nhân đạo của cô. Tuy nhiên các nhà hoạt động, cảnh sát Campuchia, quan chức Liên Hiệp Quốc và cả nhân viên tổ chức AFESIP đều bác bỏ thông tin này. Một cố vấn của AFESIP tiết lộ thực tế là con gái của Mam bỏ trốn khỏi nhà cùng bạn trai.

Báo New York Times dẫn lời các nhà hoạt động nhân quyền tại Campuchia khẳng định những dối trá này là một phần trong thủ đoạn thu hút tiền từ thiện ở nước ngoài vào Campuchia. Trên thực tế, những năm qua các trại trẻ mồ côi mọc lên như nấm tại Campuchia dù số lượng trẻ mồ côi giảm đi. Một báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc khẳng định các trại trẻ này “tuyển dụng” trẻ em có cha mẹ đàng hoàng của các gia đình nghèo để lừa tiền cứu trợ của nước ngoài.

“Lòng thương hại là một cảm xúc nguy hiểm - New York Times dẫn lời ông Ou Virak, người sáng lập một tổ chức nhân quyền ở Phnom Penh - Campuchia cần phải rũ bỏ tâm lý kẻ ăn mày và người nước ngoài nên thận trọng”. Báo này dẫn lời sinh viên 22 tuổi tên Hong Theary tiết lộ cô sống hơn bốn năm trong một trại trẻ mồ côi ở Phnom Penh, bị ép phải nói dối rằng mình bị cha mẹ bỏ rơi để trại trẻ thu hút tiền quyên góp từ nước ngoài, dù cô có cha mẹ đàng hoàng. Cha mẹ cô gửi cô đến trại trẻ này vì nghĩ rằng tại đây cô sẽ được giáo dục tốt hơn. “Tôi lấy làm hối hận vì đã không nói ra sự thật” - Theary cho biết.

Mới đây, đại diện Dự án Liên Hiệp Quốc hợp tác hành động chống nạn buôn người (UN-ACT) khẳng định việc Mam dối trá là điều hết sức đáng tiếc, bởi nạn buôn người ở Campuchia là có thật và các tổ chức từ thiện đàng hoàng cần sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm.

Thảo Quyên vanhoa.1


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon