top-banner-2

Giải trí Thứ ba, 28/05/2024, 15:23 GMT+7
Phòng trà Sài Gòn: Một thoáng ả đào, một thoáng Jazz

Càng về đêm, những nơi vui chơi tại Sài Gòn càng náo nhiệt. Các phòng trà cũng hòa vào dòng chảy đó. 

phong-tra-sai-gon-mot-thoang-a-dao-mot-thoang-jazz-

Saxophone Trần Mạnh Tuấn ngẫu hứng với anh học trò nước ngoài - Ảnh: T.T.D.

Nhưng không quá ồn ào, bon chen bởi vẫn còn đâu đó một chút trầm mặc, một chút phiêu để nghệ sĩ và khán giả có thể tìm lại chính mình.

Tuổi Trẻ ghé qua nhiều địa điểm phòng trà khác nhau tại Sài Gòn. Vẫn là các tiết mục hát, chơi nhạc nhưng giờ đây có thêm nhiều phần giao lưu, tương tác với người nghe, thậm chí để khán giả lên hát cùng.

Những phòng trà này chơi đủ thể loại âm nhạc: rock, jazz, acoustic hay thậm chí là chầu văn, ả đào, cải lương...

Band nhạc Sinco đang phiêu cùng một vị khách làm ca sĩ tại Yoko- Ảnh: T.T.D.

Band nhạc Sinco đang phiêu cùng một vị khách làm ca sĩ tại Yoko- Ảnh: T.T.D.

Đàn nguyệt quyện saxophone

Yoko bar (đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM) là một trong các phòng trà ở Sài Gòn dành một vài ngày trong tuần cho jam - một hình thức chơi nhạc ngẫu hứng giữa những người không quen biết. Họ quần tụ trong một chương trình để được lên sân khấu chơi nhạc với nhau.

Tại đây, các vị khách trong và ngoài nước yêu nhạc xưa, mê nhạc trẻ cùng vui vẻ hát giao lưu và "chịu đựng" nhau bởi không phải ai cũng hát và chơi nhạc hay như ban nhạc, ca sĩ.

Sau khi cầm micro lên sân khấu hát một bài rock bằng tiếng Anh với ban nhạc, anh John - người Ấn Độ - quay lại bàn của mình cụng bia với người bạn cũng là khán giả quen tại quán.

Nhóm nhạc nhí xin lên biểu diễn một bài, anh Hoài Anh (chủ Yoko) thấy thương cho diễn thêm bài thứ hai - Ảnh: T.T.D.

Nhóm nhạc nhí xin lên biểu diễn một bài, anh Hoài Anh (chủ Yoko) thấy thương cho diễn thêm bài thứ hai - Ảnh: T.T.D.

Trước đó, ông Trọng Nghĩa (Việt kiều Mỹ) nghe nói ở quán này có cho hát giao lưu nên đăng ký hát hai bài bằng tiếng Pháp của thập niên 1970.

Ban nhạc Sinco ở đây chơi rất nhuần nhuyễn các thể loại acoustic, rock, nhạc bất hủ 1970-1980-1990, classic pop rock.

Chơi nhạc ngẫu hứng cùng nhau là cách khỏa lấp khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ. Những địa điểm tổ chức jam không phải trả tiền cát xê cho người chơi nên giảm được kha khá chi phí.

Rất nhiều bạn trẻ có cơ hội chơi chung với các bậc đàn anh và tập làm quen sân khấu.

Chơi nhạc ngẫu hứng gọi là jam cũng là một thuật ngữ đặc trưng của nhạc jazz. Nói về những "bậc thầy" phiêu trong jazz, phải nhắc đến nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Dẫu đã qua cơn thập tử nhất sinh, đi đứng nói năng rất khó khăn, nhưng khi cầm cây kèn thì anh như lên đồng bằng chính tình yêu jazz trong máu.

Phòng trà Saxn'art Club được nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mở từ cuối năm ngoái, chỉ diễn vào ba đêm cuối tuần.

Giống Yoko bar, ở đây cũng chơi đủ loại âm nhạc và còn có thêm cả chầu văn ả đào... Nhiều người bảo chưa hình dung được sao chầu văn, ả đào lại chơi trong phòng trà.

Từ trái qua: nghệ sĩ Kim Luyến, Anh Tấn (đàn nguyệt), Trần Mạnh Tuấn (saxophone) trình diễn tiết mục ả đào "Cô đôi thượng ngàn" - Ảnh: HỒ LAM

Từ trái qua: nghệ sĩ Kim Luyến, Anh Tấn (đàn nguyệt), Trần Mạnh Tuấn (saxophone) trình diễn tiết mục ả đào "Cô đôi thượng ngàn" - Ảnh: HỒ LAM

Chị Kiều Đàm Linh, vợ nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, bảo không gì là không thể. Một số khán giả nói với chị rằng khi thấy Saxn'art Club có biểu diễn những loại hình âm nhạc truyền thống thì phải đi nghe liền: "Có những cụ bà 80-90 tuổi chân đau yếu, đi xe lăn nhưng họ vẫn cố gắng đến để nghe anh Tuấn chơi saxophone, nghe những bản nhạc xưa".

Khi Trần Mạnh Tuấn cùng nghệ sĩ Anh Tấn, Kim Luyến trình diễn ả đào Cô đôi thượng ngàn, tiếng đàn nguyệt, tiếng saxophone trộn lẫn cùng tiếng hát khiến khán giả thích thú, trong đó có cả những vị khách tây.

Hỏi Trần Mạnh Tuấn vì sao lại có ý tưởng đem chầu văn ả đào vào phòng trà, ông cười nói: "Vì tôi thấy mình cần phải bảo vệ những loại hình âm nhạc dân gian này, giới thiệu cho các bạn trẻ và khách tây. Đó là những thể loại âm nhạc còn rất ít người nghe hoặc khó có nơi để trình diễn". 

Điểm hẹn không ranh giới

Còn tại một phòng trà nhỏ tên Sotano (quận 7), quán quân Việt Nam Idol 2023 Hà An Huy tổ chức một minishow nho nhỏ cùng khách mời là ca sĩ kỳ cựu Thu Phượng.

Một người là ngôi sao nhạc trẻ đang từng bước đến thành công, một người là "ngôi sao mai" vừa trở lại nghiệp ca hát sau nhiều biến cố.

Trong gian phòng nhỏ chỉ có tầm 20 khán giả, hai ca sĩ của hai thế hệ âm nhạc Việt Nam có màn song ca cảm xúc. Thu Phượng không quên "dặn dò" đàn em sinh năm 2002 phải có một đêm diễn thật cống hiến và cháy hết mình.

Thu Phượng chia sẻ rằng được hát cùng các bạn trẻ như An Huy giúp cô được truyền lửa, nhiệt huyết tuổi trẻ - Ảnh: TÔ CƯỜNG

Thu Phượng chia sẻ rằng được hát cùng các bạn trẻ như An Huy giúp cô được truyền lửa, nhiệt huyết tuổi trẻ - Ảnh: TÔ CƯỜNG

Tuy đã từng diễn tại các đại nhạc hội với quy mô hàng trăm người tham dự, An Huy và Thu Phượng đều tìm đến những phòng trà cỡ nhỏ để tìm sự tự do về cảm xúc, đồng thời cũng có thể dành thời gian trò chuyện với khán giả trong không gian ấm cúng, không bị gò bó theo kịch bản như những chương trình ca nhạc lớn.

"Phòng trà là nơi kết nối ca sĩ với khán giả. Đời người nghệ sĩ ngoài ca hát cống hiến nghệ thuật, họ cũng có nhiều chuyện đời, chuyện lòng muốn chia sẻ với khán giả của mình, để có thể hiểu nhau hơn và đón nghe những ca khúc trước khi họ cất tiếng hát cũng sẽ sâu sắc hơn" - Thu Phượng chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Đến nghe Hà An Huy hát còn có "người hâm mộ trung thành nhất" là mẹ anh - nghệ sĩ chèo Minh Phương. Nam ca sĩ cũng thi thoảng trò chuyện với mẹ từ trên sân khấu, tạo nên những khoảnh khắc gần gũi, ít thấy được ở những đêm diễn quy mô lớn.

(Nguồn: Tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

ong-xinh