top-banner-2

Giải trí Thứ sáu, 17/05/2024, 11:19 GMT+7
Nhà báo Cù Mai Công tiết lộ điều thú vị của địa danh Vùng Ông Tạ

Trong tập 87 Kính Đa Chiều, nhà báo Cù Mai Công có những chia sẻ thú vị về tên gọi địa danh Vùng Ông Tạ cũng như những nét văn hóa, tính cách của người dân nơi đây.

Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất đa dạng về văn hóa lẫn con người. Nơi đây có những địa danh không được ghi chép trong bản đồ nhưng lại in sâu sắc trong tâm trí người dân về những miền xưa cũ như Xóm Mới, Vùng Ông Tạ, Hàng Xanh, khu Mả Lạng, Lăng Ông Bà Chiểu,…

KDC-TAP-87-VUNG-ONG-TA-1

Vốn là cây bút được nhiều độc giả yêu thích qua loạt sách viết về Sài Gòn, nhà báo Cù Mai Công truyền tải thành công tình yêu mảnh đất chan hòa, nghĩa tình đến với nhiều người. Giải thích lý do TP.HCM hình thành những địa danh như vậy, nhà báo Cù Mai Công chia sẻ: “TP.HCM có những khu vực được nhiều người biết đến như Xóm Chiếu, khu Tôn Đản, Chấn Hưng, rộng hơn là những nơi bao gồm nhiều phường thì thường được gọi là vùng như Bà Chiểu, Bà Quẹo hay Vùng Ông Tạ”.

Theo nhà báo Cù Mai Công, vùng Ông Tạ ngày nay chính là phường 3, 5, 6, 7 thuộc quận Tân Bình, TP.HCM. Về danh nghĩa, vùng Ông Tạ kéo dài từ phường 15, quận 10 đến phường 11, quận 3 và bao gồm phía nhà thờ Chí Hòa – nơi an nghỉ của vợ chồng ông bà Huyện Sỹ, đệ nhất hào phú Nam kỳ. Đến nay, vợ chồng hào phú Huyện Sỹ được chôn cất tại đây khoảng hơn 100 năm.

Về phía chợ Ông Tạ, phòng khám Ông Tạ (tức chợ Phạm Văn Hai ngày nay) khi ấy thuộc tỉnh Gia Định. Theo nam nhà báo, cư dân nơi này có nét độc đáo riêng vì đây là nơi duy nhất của TP.HCM có gốc gác của cả Sài Gòn, Gia Định lẫn Chợ Lớn. Do đó, tính cách của người dân có sự giao thoa giữa ba vùng Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và ảnh hưởng của cả ba miền Bắc – Trung – Nam.

Giải thích thêm về địa danh Ông Tạ, nhà báo Cù Mai Công cho biết Ông Tạ vốn là một đông y sĩ, tên thật là Trần Văn Bỉ quê ở tỉnh Tiền Giang lên Sài Gòn mở địa điểm chữa bệnh, bốc thuốc. Trước đó, vùng Ông Tạ là nơi hoang vắng, không có người sinh sống. Cụ thể khu vực ngã ba Ông Tạ và đường Phạm Văn Hai trước kia chủ yếu là đầm lầy, kênh rạch và đầy mồ mả. Khi đó, ngã ba này (đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng Tám bây giờ) được gọi là Ngã ba Tháp vì có một tháp cao do người Pháp xây nên sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ.

Sau Cách mạng tháng Tám, tháp canh bị phá bỏ và ngã ba ấy không còn tên gọi
Ngã ba Tháp. Đến năm 1947 – 1948, ông Tạ vào Sài Gòn và mở phòng khám cách Ngã ba Tháp khoảng 100m, lấy biệt hiệu là Đông y sĩ Thủ Tạ. Vì vậy, người miền Nam gọi vắn tắt là Ông Tạ và dùng tên của ông để xác định cả một vùng xung quanh phòng khám. Ông Tạ không chỉ nổi tiếng là thầy thuốc giỏi mà còn là một nhà hảo tâm. Với nhiều người khó khăn, ông Tạ còn bốc thuốc miễn phí. Trước phòng khám của ông có một thùng tiền. Nhiều người từ xa đến khám nếu không có tiền về quê thì dùng tiền trong thùng để làm lộ phí đi đường.

Khi Ông Tạ qua đời vào năm 1983, nhiều người tiếc thương và tập trung về viếng. Đám tang Ông Tạ đi một vòng ngã ba tên ông rồi trở về chôn cất tại nhà. Nhà báo Cù Mai Công tiết lộ anh có đi viếng đám tang của ông Tạ.

Nhà báo Cù Mai Công giải thích lý do Vùng Ông Tạ không có nhà hàng lớn

Nhà báo Cù Mai Công được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn dung dị. Khi viết sách về Sài Gòn, nam nhà báo muốn lưu giữ những hình thước thước phim hồi ức về con người xưa cũ. Nhà báo Cù Mai Công cho biết: “Người Nam đã ở đây đến 150 năm, người Trung ở khu vực Nghĩa Hòa là người Huế cũng đến thành phố này cả trăm năm trước. Chính điều đó tạo nên văn hóa đa dạng Bắc Trung Nam rất hòa đồng và kết nối, ảnh hưởng lẫn nhau”.

Tác giả sách Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương lấy ví dụ những người Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954 nhưng giọng lại khác người Bắc di cư cùng năm ấy ở Hố Nai, Gia Kiệm, thậm chí là Xóm Mới, Bình An. Riêng người Bắc từ các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình thì kết quả lây giọng và văn hóa của nhau.

Theo quan sát của nhà báo Cù Mai Công, một đặc điểm độc đáo của vùng Ông Tạ đến tận ngày nay chính là không có một nhà hàng lớn nào có thể tồn tại. Tác giả Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó cho rằng dường như do tính chất khu vực này ngày xưa vốn là đầm lầy, kênh rạch nên người dân phải tần tảo và hình thành tính cách giản dị. Theo nhà báo Cù Mai Công, tại ngã tư Phạm Văn Hai - Bùi Thị Xuân hay ngã tư Phạm Văn Hai – Nguyễn Trọng Tuyển cũng có hai nhà hàng lớn nhưng chỉ được một thời gian.

Cuối chương trình Kính Đa Chiều, host Lê Hoàng gửi lời cảm ơn đến nhà báo Cù Mai Công vì những cống hiến qua tập sách viết về mảnh đất, con người Sài Gòn. Host Lê Hoàng cũng mong nam nhà báo sẽ không từ bỏ con đường viết lách vì những quyển sách ấy chứa đựng một nền văn hóa lịch sử nước nhà.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Để trở thành một diễn viên ballet với sự tham gia của host Minh Đức và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 17/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Nhung Nguyễn

* Theo Kết nối Doanh nhân


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

ong-xinh