Nestlé và Bộ NN&PTNT hợp tác thúc đẩy nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp |
Ngày 20/6, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam và Bộ NN&PTNT chính thức công bố Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác công tư nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp thông qua Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV). Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT (bên phải) và ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác vào ngày 20/6 - Ảnh: VGP/Minh Thi Hoạt động này nằm trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ và làm việc giữa lãnh đạo Bộ NN&PTNT và ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé toàn cầu. Theo nội dung Bản ghi nhớ, công ty Nestlé Việt Nam sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT trong khuôn khổ Chương trình PSAV nhằm hướng đến việc thúc đẩy và chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số; và thúc đẩy hợp tác đa bên. Trong thời gian qua, Nestlé Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và các đối tác nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp, góp phần thực hiện lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Chia sẻ về sự hợp tác này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: "Nông nghiệp phát thải thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ NN&PTNN, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Bộ NN&PTNT đang nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thúc đẩy hợp tác đối tác công tư thông qua việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp đi đầu về phát triển bền vững sẽ góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp xanh, bền vững và phát thải thấp tại Việt Nam". Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé cũng chính thức khởi động dự án "Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp" tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây đến năm 2027. Dự án nhằm vừa góp phần đem lại giá trị kinh tế, tạo thêm thu nhập cho người nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện các điều kiện canh tác cây cà phê, đặc biệt tăng khả năng chống lại côn trùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai (hạn hán, mưa bão,..), cải thiện chất lượng đất trồng và đa dạng sinh học. Dự kiến dự án sẽ giúp hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027), góp phần giúp chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái trong canh tác cây cà phê tại Tây Nguyên. Ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé cho biết, là một trong những nguồn cung cà phê hàng đầu cho Nestlé, Việt Nam là ưu tiên lớn của Nestle' trong nhiều năm qua - Ảnh: VGP/Minh Thi Theo ông Mark Schneider, Tập đoàn Nestle'luôn xác định, trong chuỗi cung ứng của mình, nông nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính. Là một trong những nguồn cung cà phê hàng đầu cho Nestlé, Việt Nam là ưu tiên lớn của Nestle' trong nhiều năm qua. "Chúng tôi cam kết hỗ trợ người nông dân Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh nhằm cải thiện sinh kế và ứng phó với biến dổi khí hậu thông qua chương trình Nescafé Plan. Chúng tôi cũng đang tập trung thực hiện chương trình trồng rừng tại đây", ông Mark Schneider chia sẻ. Hiện sáng kiến nông lâm kết hợp được Tập đoàn Nestlé triển khai ở 8 quốc gia. Tại châu Á, Việt Nam là quốc gia thứ 4 được áp dụng sáng kiến này. Sáng kiến nhằm mục đích bảo tồn đất, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng thu nhập cho người nông dân. Tập đoàn Nestlé đặt mục tiêu trồng 200 triệu cây trên toàn cầu đến năm 2030, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 2 từ phải sang) và ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé (thứ 3 từ phải sang) tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Minh Thi Đánh giá về "Dự án Sáng kiến Nông Lâm kết hợp tại Việt Nam" giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới một ngành nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững kết hợp với cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn. Tại Hội nghị COP26 về Biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu giảm phát thải khí mê tan 30% vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050, cũng như khẳng định sự tham gia của Việt Nam vào các sáng kiến "Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu" và "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất". Ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Cùng với đó, là thực hiện "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính...". Để thực hiện được Chiến lược và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ "tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên" sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp "xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. "Bộ NN&PTNT đánh giá cao việc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Đại học Tây nguyên triển khai thực hiện Dự án Sáng kiến Nông Lâm kết hợp tại Việt Nam. Với việc thực hiện Dự án, khoảng 2,5 triệu cây xanh sẽ được trồng, góp phần thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Việt Nam. Dự án này cũng cho thấy sự hợp tác hiệu quả của đầu tư theo hình thức công tư trong phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động sản xuất và đầu tư", Nguyễn Quốc Trị cho biết. (Nguồn baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|