Gần 100 doanh nghiệp Việt tham gia hội chợ quốc tế tại Trung Quốc |
Quảng bá hình ảnh và sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam, tìm kiếm đối tác, kết nối với doanh nghiệp quốc tế là đích đến khi các doanh nghiệp Việt tham gia hội chợ quốc tế lần này tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, tham quan các gian hàng Việt tại Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 (CISMEF 2023) - Ảnh: THẢO THƯƠNG Ngày 27-6, Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 (CISMEF 2023) tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bắt đầu khai mạc. Hội chợ diễn ra trong ba ngày, với sự tham gia của 1.000 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 80 doanh nghiệp Việt. Đáp sân bay Quảng Châu 3 ngày trước để chuẩn bị giới thiệu sầu riêng Việt tại gian hàng hội chợ, ông Mai Xuân Thìn - giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) - đích thân sửa soạn, gắn mác sản phẩm, chuẩn bị bao bì, thùng… sao cho chỉn chu nhất, để thu hút khách hàng tham quan. "Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ ở Trung Quốc. Trước đây tôi tham gia ở Hong Kong về rau quả nói chung. Sầu riêng tôi đã xuất khẩu sang Nhật, Hàn từ 9-10 năm trước. Nhưng sầu riêng để xuất bài bản sang Trung và cạnh tranh được, tôi mất một năm chuẩn bị và đêm nay là container thứ 6 cập chợ", ông Thìn nói. Ông Thìn hy vọng đẩy mạnh được mặt hàng này để tạo thương hiệu riêng cho công ty, dù rằng Rồng Đỏ có nhiều sản phẩm chủ lực khác. Sầu riêng là mặt hàng có nhiều ở Trung Quốc, nhưng chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) đã chuẩn bị trước một năm với đối tác và "chào" hội chợ quốc tế để tạo thương hiệu riêng - Ảnh: THẢO THƯƠNG Cũng lần đầu tiên tham gia, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lần đầu đưa sữa đặc Ông Thọ đến với hội chợ. Từ năm 2019, Vinamilk đã xâm nhập thị trường tỉ dân, nhưng gặp thách thức lớn vì dịch COVID-19. Hội chợ lần này, Vinamilk quay lại để tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường, để đẩy doanh thu 6 tháng cuối năm và những năm tới tiếp tục tăng trưởng. Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây Westfood (TP Cần Thơ) cũng lần đầu tham gia gian hàng các sản phẩm trái cây chế biến. Bà Nguyễn Minh Thế Nguyệt - tổng giám đốc công ty - cho biết công ty đang có lợi thế là vùng nguyên liệu về giống dứa MD2, được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. "Tôi đưa sản phẩm thế mạnh để giới thiệu, tìm đối tác, đồng thời cũng quảng bá trái cây chế biến để có đầu ra lớn ở thị trường mạnh như Trung Quốc", bà Nguyệt cho hay. Những mặt hàng tranh dân gian, đồ mỹ nghệ của Việt Nam cũng được giới thiệu, tìm kiếm đối tác ở hội chợ quốc tế lần này - Ảnh: THẢO THƯƠNG Trưng bày bắt mắt nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, thu hút nhiều khách tham gia, còn có những doanh nghiệp Việt khác như: cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên); nước khoáng Thạch Bích, sữa đậu nành Vinasoy… (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi); bánh trứng các loại (Công ty cổ phần thực phẩm Topfood)… Tham quan các gian hàng Việt tại hội chợ, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho rằng sau 3 năm COVID-19 làm ngừng trệ giao thương, Trung Quốc đã tổ chức hội chợ quốc tế trở lại. "Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến với thị trường Trung Quốc, đối tác số 1 với thương mại Việt Nam. Để chiếm lĩnh thị trường, đòi hỏi chất lượng hàng Việt thật cao mới đáp ứng thị trường tuy dễ nhưng rất khắt khe", thứ trưởng đánh giá. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 19,8 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 42,4 tỉ USD. Trung Quốc được xác định tiếp tục là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam vì lợi thế vị trí địa lý gần, chi phí logistisc và rủi ro thấp hơn các thị trường khác… (Nguồn tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|