Đề xuất khuyến khích điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương bị đánh giá 'chưa hấp dẫn' |
Các đề xuất cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương được đánh giá là còn chung chung, chưa thực sự tạo ra cơ chế mang tính hấp dẫn. Việc phát triển điện mặt trời áp mái tự dùng để giảm sử dụng điện lưới đang tắc vì thiếu cơ chế! - Ảnh: Quang Định Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản góp ý về dự thảo cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đang được Bộ Công Thương xây dựng, đánh giá các cơ chế khuyến khích còn chung, chưa thực sự tạo ra cơ chế mang tính hấp dẫn, thu hút việc đầu tư. Cần đề xuất miễn giảm thuế, phí cụ thể Bộ này đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình hỗ trợ người dân, tổ chức tham gia vào việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà bằng các kế hoạch cụ thể. Việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà cần đặt ra mục tiêu cụ thể, được lượng hóa trong từng giai đoạn. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Các cơ chế, chính sách cần cho phép nhà đầu tư hợp tác với người dân, tổ chức sở hữu, sử dụng nhà nhà, tòa nhà, công sở để lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo thỏa thuận giữa hai bên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, trong dự thảo cần đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế, phí cụ thể cho nhà đầu tư, đánh giá sự phụ hợp các kiến nghị này với các quy định liên quan. Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, chỉ dành cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Các cá nhân, đơn vị lắp đặt hệ thống này sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống này sẽ được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối cũng sẽ không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Tuy nhiên, hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Góp ý thêm về các đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn đều không có quy định về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện, nên đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định liên quan đến loại giấy này. Làm rõ các đối tượng hưởng chính sách khuyến khích Trường hợp ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, cần có quy định đầy đủ, nghiên cứu làm rõ đây là vốn đầu tư công hay chi thường xuyên. Trong trường hợp sử dụng vốn đầu tư công cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý cần làm rõ đối tượng áp dụng là nhà ở, công sở và trụ sở của doanh nghiệp. Bởi Luật Doanh nghiệp quy định về trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh, nên cần phải cân nhắc sử dungjk hái niệm về trụ sở doanh nghiệp để phù hợp với Luật doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng được đề nghị rà soát, làm rõ nội dung, ý nghĩa quy định "không bao gồm trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại". Với các chính sách giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tính khả thi. Ví dụ như quy định Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành huy động các nguồn lực; Ngân hàng nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm lãi suất... Bộ Công Thương còn được khuyến nghị nghiên cứu việc giao cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp về các cơ chế, hướng dẫn việc đầu tư, lắp đặt thiết bị, xử lý các vấn đề kỹ thuật. (Nguồn vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|