top-banner-2

Chân dung Doanh nhân Thứ sáu, 20/01/2017, 10:49 GMT+7
Nữ doanh nhân 25 năm giữ lửa cho doanh nghiệp gia đình

Trong giới kinh doanh nhôm, nhắc đến biệt danh “Dung nhôm”, người ta nhớ ngay đến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải.

Với hơn 25 năm lăn lộn trên thương trường, từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ, chị cùng người thân đã gây dựng Nam Hải thành tổ hợp công nghiệp xây dựng với tổng vốn hơn 30 triệu USD, đứng top 5 các doanh nghiệp có vốn đầu tư và đang trên đường gia nhập vào hàng ngũ các tập đoàn doanh nghiệp gia đình lớn ở nước ta.

nguyen-thi-dung-ketnoidoanhnhan-2

Doanh nhân Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải

Với việc đặt tên doanh nghiệp theo tên của chồng và con trai, ngay từ đầu, chị Dung đã lựa chọn mô hình “gia đình trị” để gây dựng doanh nghiệp. Với tham vọng “nhôm Châu Âu xây nhà Việt”, trong suốt hơn 25 năm qua, chị đã làm được một việc mà không phải ai cũng làm được, đó là đưa doanh nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa theo thị trường những giữ vững mô hình doanh nghiệp gia đình. Bằng việc lấy nền tảng gia đình làm điểm tựa sức mạnh và là động lực để phát triển, chị đã từng bước đưa doanh nghiệp trải qua nhiều bước ngoặt và từng ngày lớn mạnh. Trong đó, phải kể đến những cột mốc đáng nhớ: năm 2010 tiến hành mua lại Công ty TNHH Cáp Thăng Long và cho ra đời công ty con EUROHA, năm 2012 tái đầu tư và cho ra đời nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình tiêu chuẩn Châu Âu. Đến nay nhà máy có tổng diện tích 30.000m2 với công suất 9.000 tấn/năm. Nam Hải Group hiện là một tổ hợp công nghiệp xây dựng hùng mạnh với các dòng sản phẩm nhôm Nam Hải, EUA và dòng nhôm cao cấp Euroha. Trong tương lai, với tham vọng vươn cao và xa hơn nữa, chị cùng các thành viên trong gia đình đang không ngừng nỗ lực để củng cố sức mạnh cho doanh nghiệp để nắm bắt thành công các cơ hội mới.

Cơ duyên nào đưa chị đến kinh doanh trong lĩnh vực nhôm?

Tôi đến với lĩnh vực này rất tình cờ. Trong một lần hai vợ chồng đi du lịch, chúng tôi đang đi dạo và ngắm phố phường, nhà cửa thì chồng tôi quay sang bảo: “gỗ mãi rồi cũng hết, tại sao không dùng cửa nhôm thay cho cửa gỗ?”. Chỉ từ câu hỏi đấy, trở thành một cuộc tranh luận lớn nhỏ giữa hai vợ chồng. Sau đó, khi thấy có cơ hội để kinh doanh thì vợ chồng tôi quyết định tìm hiểu thị trường và nhập nhôm về Việt Nam để làm cửa.

Tại sao chị giữ vai trò là người lãnh đạo cao nhất của công ty mà không phải chồng chị?

Thật ra tôi mang danh là Chủ tịch HĐQT, nhưng trên thực tế thì như người thừa hành thôi. Còn các vấn đề về chiến lược, đường đi nước bước đều do chồng tôi chỉ đạo phía sau hết (cười). Đây là một điều vô cùng may mắn của tôi cũng như của doanh nghiệp. Bởi, người ta nói “thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn” mà.

Lý do gì sau hơn 25 năm gây dựng và phát triển, chị vẫn quyết tâm giữ vững mô hình doanh nghiệp gia đình cho Nam Hải Group?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên tôi muốn khẳng định: Nếu không có gia đình thì không có Nam Hải Group ngày nay. Vào những ngày đầu mới lập nghiệp, sự sát cánh của chồng, hai bên gia đình nội ngoại trong việc cho vay mượn tiền bạc, giúp đỡ trông nom con cái, chia sẻ công việc kinh doanh… nên Nam Hải Group mới có ngày hôm nay. Và tôi tin, các doanh nghiệp gia đình thành công khác như gốm sứ Minh Long, Thép Việt - Pomina, tới Kinh Đô, Biti’s… họ cũng đi lên từ những nền tảng này. Giờ đây doanh nghiệp tôi đã có chỗ đứng trên thương trường, những các thành viên gia đình vẫn sát cánh bên nhau để chèo lái doanh nghiệp. Chồng tôi với vai trò tham mưu trưởng, tôi với vai trò thực hiện chiến lược, em trai tôi đảm nhiệm công việc điều hành, các con tôi cũng bắt đầu tham gia hỗ trợ kinh doanh và các anh, chị em khác nữa. Đây là những yếu tố quan trọng để giúp Nam Hải Group đi nhanh và đi xa trong thời gian tới. Và tôi không có lý do gì để thay đổi mà ngược lại tôi nghĩ cần phát huy và củng cố hơn nữa.

Nói như vậy, có nghĩa là Nam Hải Group không gặp phải những vấn đề mà các doanh nghiệp gia đình khác đang gặp phải?

Cũng không hẳn như vậy! Doanh nghiệp gia đình vừa có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Trong suốt quá trình hơn 25 năm qua, chúng tôi cũng gặp không ít thách thức và khó khăn do chính mô hình quản trị theo gia đình mang lại như sự trì trệ, sự thiếu chuyên nghiệp trong bộ máy. Nhưng rất may chúng tôi sớm nhận ra những điều đó và khắc phục ngay lập tức.

Hiện nay Nam Hải Group là một trong những doanh nghiệp thế hệ “đàn anh, đàn chị” trong lĩnh vực kinh doanh nhôm và đang không ngừng mở rộng để phát triển. Với vai trò là người lãnh đạo cao nhất, chị có gặp thách thức gì không?

Thuyền to thì sóng lớn! Nam Hải đã trở thành một Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng với nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, áp lực cạnh tranh thị trường lớn, áp lực nội tại doanh nghiệp cũng không nhỏ. Muốn giữ vững dây cương cần phải quyết liệt và bám chắc chiến lược. Tôi cũng đã xác định tâm thế rất rõ ràng nên về cơ bản không quá lo lắng. Một mặt củng cố năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh và cạnh tranh. Một mặt củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng đời sống của đội ngũ cán bộ nhân viên. Chúng tôi quyết tâm giữ vững top 5 các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước về lĩnh vực kinh doanh nhôm.

nguyen-thi-dung-ketnoidoanhnhan-1

Chị Dung chụp hình lưu niệm cùng các Chuyên gia và Doanh nhân trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1)

Nói thì dễ, nhưng thị trường kinh doanh nhôm tại Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt. Chị và doanh nghiệp đã có những hành động cụ thể gì để cạnh tranh?

Thị trường kinh doanh nhôm của Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh rất khốc liệt. Một mặt phải cạnh tranh với các đối thủ chuyên làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Một mặt phải cạnh tranh với các đối thủ lớn, các đối thủ ngoại. Do đó, các yếu tố tiên quyết chúng tôi cần làm được đó là chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối, nhận diện thương hiệu… Để làm được những điều này thì các yếu tố như nhân sự, tài chính, cạnh tranh đều cần phải được tính toán và lên chiến lược cụ thể. Và quan trọng, tôi vẫn xác định yếu tố gia đình trong doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần được củng cố và phát huy hơn nữa.

Còn với cá nhân chị thì sao?

Với cá nhân tôi, tôi cũng xác định rất rõ mình cần phải học hỏi, bổ sung thêm nhiều kiến thức quản trị hơn nữa. Trong đó, cũng cần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng doanh nhân nhiều hơn nữa. Nhất là đối với các doanh nghiệp gia đình, tôi rất mong muốn bằng kinh nghiệm của mình được chia sẻ nhiều hơn để giúp họ chuyển nghiệp hơn nữa, thành công hơn nữa mà không mất đi yếu tố gia đình trong doanh nghiệp.

Đó có phải là lý do chị đã tham gia chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công của VTV1, Đài Truyền Hình Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Tái cấu trúc hệ thống”?

Chính xác! Khi tham gia chủ đề doanh nghiệp gia đình tôi đã có rất nhiều cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của mình khi quản trị và điều hành một doanh nghiệp có mô hình “gia đình trị”. Các chuyên gia của chương trình cũng đã mang đến cho tôi rất nhiều kiến thức quý báu để từ đó tôi về củng cố doanh nghiệp của mình. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai chương trình nên có nhiều chủ đề liên quan đến doanh nghiệp gia đình điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng doanh nhân, vì đại đa số các doanh nghiệp của nước ta đều là doanh nghiệp gia đình. Trên thế giới, ở các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, các doanh nghiệp gia đình vẫn đang là trụ cốt của nền kinh tế. Và ở Việt Nam khi có nhiều doanh nghiệp gia đình lớn mạnh thì cũng sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Cảm ơn chị! Chúc chị và Nam Hải Group tiếp tục gặt hái nhiều thành công và sớm tham gia hàng ngũ các doanh nghiệp gia đình lớn tại Việt Nam.

 Việt Chinh

*Theo Tạp chí Văn hóa doanh nhân tháng 1/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon