Nhà văn Xuân Trường: Doanh nhân ngành xuất bản với tâm hồn văn nhân |
Là Giám đốc – Tổng biên tập của nhà xuất bản Thanh niên, ông Nguyễn Xuân Trường (bút danh Nguyễn Trường) đồng thời cũng là một người có tâm hồn của một văn nhân. Ông có nhiều tác phẩm đã được xuất bản như Mộng đế vương (1992), Hơn cả tình yêu (1990, 2003, 2005), Tâm linh (2003)… và đã nhận các giải thưởng: Tặng thưởng truyện ngắn tạp chí Tác phẩm mới 1995, giải thường Bút ký báo Lao động và Xã hội 1997. Vừa qua, ông đã được mời tham gia Hội đồng cố vấn của ấn phẩm Kết nối Doanh nhân. Ông Nguyễn Xuân Trường (Giám đốc NXB Thanh Niên) Chào ông Nguyễn Xuân Trường, ông có thể giới thiệu với độc giả của Kết nối Doanh nhân về công việc Giám đốc NXB Thanh niên? Chào bạn, về công việc, tôi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc NXB Thanh niên từ tháng 5/2015. Công việc quản lý ..., như bạn biết đấy, phải nói khá vất vả. Đầu tiên, có thể nói ngành xuất bản vẫn chú ý một điều, đó là không được sai sót, vì vậy, công việc đọc duyệt luôn được tôi chú ý quan tâm đầu tư nhiều thời gian và làm việc nghiêm túc. Đồng thời, việc quan trọng nữa là kinh doanh làm sao cho có hiệu quả, để trả lương cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên mà vẫn có lợi nhuận tiếp tục phát triển của nhà xuất bản, nhất là trong thời đại công nghệ, nhà nhà người người đọc sách, báo, tạp chí online vì sự tiện ích của nó nên nhà xuất bản cần phải có nhiều chiến lược kinh doanh ưu việt hơn. Ông có thể chia sẻ về vai trò của ngành xuất bản đối với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa của Việt Nam? Xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội,giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí,xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam. Đồng thời, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước,phát triển kinh tế xã hội,đấu tranh chống tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia,xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc,góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Ông có thể chia sẻ về niềm đam mê và con đường văn chương của bản thân? Tôi đến với văn chương như một người bạn, một người bạn để tâm tình, gắn bó, chia sẻ và thăng hoa. Trong tác phẩm, tôi thường ghi lại những gì đã diễn ra trong cuộc sống. Tôi có một số tác phẩm đã in như Mộng đế vương (1992), Hơn cả tình yêu (1990, 2003, 2005), Tâm linh (2003), Đi qua thời áo trắng (2004), Thiên nhãn (1996, 2003). Văn hóa văn học -một hướng nhìn (1999). Cuối tháng 9 vừa qua, truyện ngắn “Quà tặng tương lai” của tôi cũng được báo Văn nghệ in, gây được sự chú ý của độc giả. Ông có trăn trở gì về nền văn học Việt Nam đương đại? Tôi tự hào về nền văn học nước nhà. Chúng ta đã từng có nhiều nhà văn xuất sắc và nhiều tác phẩm hay. Trải qua nhiều thế kỷ, Việt Nam luôn có những nhà văn tài ba và nền văn học luôn có những thể nghiệm, cách tân thú vị. Nền văn học Việt Nam hiện nay xuất hiện nhiều cây viết trẻ có tài. Đề tài họ viết cũng rất phong phú. Đồng thời, cũng có những cách tân nghệ thuật thú vị. Tôi hi vọng đây là cuộc chuyển mình để văn học Việt Nam có những tác phẩm mới xuất sắc, đánh dấu bước ngoặt trong thế kỷ này. Trong tác phẩm của mình, ông đã từng xây dựng kiểu nhân vật doanh nhân? Thỉnh thoảng, trong tác phẩm của tôi cũng có xuất hiện nhân vật doanh nhân. Họ được khắc họa với những phẩm chất kiên định, trí tuệ, bản lĩnh và mưu trí. Nhân vật doanh nhân cần được khai phá nhiều hơn trong tương lai bởi có nhiều vấn đề vô cùng thú vị. Ông quan niệm thế nào về vai trò của doanh nhân trong thời kỳ kinh tế hội nhập như ngày nay? Để thúc đẩy và vận hành bất cứ tổ chức nào, tất cả các khâu, các bộ phận của tổ chức đó đều quan trọng vì phải có một sự liên kết chặt chẽ giữa các yếu tố và cùng nhau vận hành thì mới đảm bảo thành công. Thế nên, bên cạnh các ngành nghề khác, là một ngành chủ đạo, kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng đối với đất nước và doanh nhân là người “đứng mũi chịu sào” để thực hiện điều đó. Ngày nay, doanh nhân được ví như những “vị tướng” trong thời bình vì sự trí tuệ và can trường, mà quan trọng hơn hết vẫn là bản lĩnh và mưu trí của họ để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ông có thể chia sẻ về những doanh nhân trong ngành xuất bản? Đó là lực lượng không thể thiếu trong hoạt động xuất bản hiện nay.Họ là người có tâm, có tài trong việc khai thác bản thảo hay, tốt và là cầu nối quan trọng để mang tri thức trong các xuất bản phẩm đến với đông đảo bạn đọc cả nước. Những doanh nhân trong lĩnh vực xuất bản cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Theo ông, làm thế nào để giúp doanh nhân có thể cùng nhau đoàn kết, phát triển và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế nước nhà? Hiện nay, ngoài những hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về các khía cạnh trong lĩnh vực kinh tế, cũng có khá nhiều câu lạc bộ doanh nhân được thành lập và đang thực hiện nhiệm vụ kết nối, giao lưu, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Và những ấn phẩm liên quan đến kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân cũng xuất hiện như một cầu nối hữu hiệu. Với tư cách là thành viên Hội đồng cố vấn của Ấn phẩm Kết nối doanh nhân, ông có thể chia sẻ về định hướng và dấu ấn riêng của ấn phẩm mới này? Ân phẩm Kết nối Doanh nhân sẽ ghi lại những diễn biến của nền kinh tế Việt Nam qua hình ảnh của những doanh nhân và họ được kết nối cùng nhau chia sẻ, học hỏi, giao lưu và đoàn kết để phát triển vững mạnh. Tôi đăt niềm tin chắc chắn rằng ,ấn phẩm Kết nối doanh nhân sẽ là người bạn đáng trân quý luôn đồng hành với doanh nhân ngành xuất bản,doanh nhân Việt Nam, đưa đất nước-trong đó có ngành xuất bản của chúng ta phát triển không ngừng trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn cô về cuộc phỏng vấn này. Bài: NL - Photo: Trương Đại Dương Theo Kết nối Doanh nhân tháng 11 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|