top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ ba, 17/10/2023, 14:41 GMT+7
Ra mắt giống lúa có chỉ số đường huyết cực thấp

Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) vừa giới thiệu lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp.

Tọa đàm giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, và nông dân tại IRC 2023 - Ảnh: QUỲNH CHI

Tọa đàm giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, và nông dân tại IRC 2023 - Ảnh: QUỲNH CHI

Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19-10 tại Manila, Philippines. Đây là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức.

Tại đại hội, các nhà khoa học của IRRI và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) đã giới thiệu lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp.

Các chuyên gia cho hay bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Tiểu đường quốc tế, có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047.

Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số đường huyết dao động 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.

Năm 2019, IRRI đã tìm thấy các dấu hiệu đặc chủng giống lúa, có ý nghĩa rất lớn để phân biệt chỉ số đường huyết trung bình và cao. Đây chính là bước đột phá trong khoa học nhằm phát triển các giống lúa năng suất cao, chỉ số đường huyết thấp.

Các chuyên gia cho hay đã có những phát hiện khoa học giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có chỉ số đường huyết thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.

IRRI cho biết phân loại mức chỉ số đường huyết dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa được phát hiện mới nhất có chỉ số đường huyết cực thấp là 44.

Các dòng lúa chỉ số đường huyết cực thấp giải phóng glucose với tốc độ chậm. Trong khi đó, các giống lúa thông thường có lượng đường tăng đáng kể trong cùng một khoảng thời gian cơ thể tiêu hóa.

 

"Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có chỉ số đường huyết thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.

Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa chỉ số đường huyết thấp và cực thấp", Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, phát biểu tại Đại hội Lúa gạo quốc tế - Ảnh: IRRI

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, phát biểu tại Đại hội Lúa gạo quốc tế - Ảnh: IRRI

Chia sẻ tại đại hội, nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, ông Cao Đức Phát cho hay xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhiệm vụ của IRC là khẩn trương chuyển đổi hệ thống lúa gạo theo hướng đa dạng, bền vững, thân thiện môi trường.

Tại IRC 2023, các chuyên gia lúa gạo sẽ trình bày, thảo luận về phương pháp tiếp cận di truyền, nhân giống lúa; nghiên cứu hệ vi sinh vật, sức khỏe đất; canh tác kỹ thuật số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công cụ viễn thám, drone (máy phun thuốc không người lái),...

Việt Nam giảm phát thải trong canh tác lúa

Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế - IRC 2023 cũng diễn ra phiên thảo luận cấp cao với chủ đề "Xu hướng, chính sách, cơ hội cho ngành lúa gạo toàn cầu". Trong đó, Campuchia, Tanzania và Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu gạo, đều đặt mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh, giá trị hạt gạo trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chính sách của Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng (nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay Việt Nam từng là nước có nền nông nghiệp lạc hậu, đứng sau các "ông lớn" Ấn Độ, Thái Lan.

"Ngày nay, chúng tôi tự hào về những thành tựu của ngành lúa gạo. Chúng tôi đã giảm 30% hóa chất, 30% phân bón, 30% giá cả đầu vào, nhưng đang đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ thế, thử nghiệm trên 200.000ha lúa đã thành công giảm 10% phát thải khí metan, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa phát thải thấp", ông Bổng nói.

(Nguồn: Vtc.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

hoa-moc-thien

e-banner-wedding-2

hoa-moc-thien-2

E-banner-Dim-Sum-Weekend-01

viettien

metro-sai-gon