Paris trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giành 'vương miện' kinh đô thời trang thế giới |
Chanel, Dior, Saint Laurent, Hermes, Louis Vuitton... là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giới thời trang cao cấp. Mặc dù phải đối mặt với một mức độ cạnh tranh tàn khốc nhưng thời trang Pháp vẫn luôn giữ vững phong độ dẫn đầu trên trường quốc tế. Các nhà thiết kế người Pháp từ lâu đã tạo ra những thương hiệu thời trang nổi tiếng và mang tính phóng khoáng nhất trên thế giới. Với phong cách sáng tạo và kỹ thuật đặc biệt, danh tiếng lẫy lừng của ngành công nghiệp thời trang Pháp bắt đầu nhen nhóm từ thế kỷ XVII và trên đà phát triển không ngừng nghỉ cho tới tận bây giờ. Người Pháp cho rằng vua Louis XVI – “Vua Mặt Trời” là người khởi nguồn cho thời trang đất nước mình. Louis có một con mắt thẩm mỹ rất tinh tế, điều đó được thể hiện rất rõ từ cách thiết kế cung điện danh giá Versailles cho đến những bộ âu phục mà ông mặc. Dưới thời của ông, một số ngành công nghiệp nghệ thuật được chú trọng, trong đó có ngành dệt may, và dần chỗ đứng trong giới thời trang trên toàn thế giới. Trong vài thế kỷ sau, người ta đã tìm ra một số loại vải và vật liệu với chất lượng tốt nhất có nguồn gốc ở Pháp. Vào cuối thế kỉ XIX, khi thời trang haute couture (thời trang cao cấp) đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ, các cơ sở lớn về may mặc bắt đầu xuất hiện tại Pháp. Charles Frederick Worth - cha đẻ của thời trang haute couture, người quyết định phong cách thời trang Paris vào giữa thế kỷ XIX, là người đầu tiên mở cửa hàng kinh doanh tại Rue de la Paix của Paris. Tiếp nối sau đó là một loạt các cơ sở, tiêu biểu như của Paul Poiret và Madeleine Vionnet. Paris nhanh chóng trở thành một trung tâm thời trang phồn thịnh, trong khi các thiết kế của Pháp nhanh chóng lan tỏa mọi nơi. Một trong số những thương hiệu nổi tiếng nhất và vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay đó là của huyền thoại thời trang Coco Chanel. Bà loại bỏ đi những chiếc áo nịt ngực chật chội với đường chiết eo nhỏ xíu vì cho rằng nó không thích hợp cho việc lao động hay di chuyển liên tục. Thay vào đó là những đường cắt mạnh tay tạo nên sự thanh thoát, khoáng đạt, vô cùng thoải mái dựa từ cảm hứng trang phục nam giới. Phong cách thời trang cách tân, nổi bật vẻ đẹp nữ tính của Coco làm bùng nổ cuộc cách mạng thời trang nữ vào những năm 1920, khai sinh ra phong cách thời trang nữ hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, ngành thời trang của Pháp suy giảm đáng kể trong Thế chiến thứ hai. Dưới sự chiếm đóng của Đức, cửa hàng của Chanel cùng với một số nhà thiết kế khác buộc phải đóng cửa. Sau nhiều năm bị kìm kẹp, sự phục hưng của nền công nghiệp may mặc đã quay trở lại bởi một người nhìn xa trông rộng - Christian Dior. Ông đã thống trị thời trang hậu chiến bởi bộ sưu tập New Look. Với đặc trưng là một chiếc váy xòe rộng chiết eo, thiết kế của ông đã xây dựng nên hình ảnh một cô gái nữ tính và thanh lịch. Ở thời điểm ban đầu, hướng đi này đã gây nhiều tranh cãi bởi quần áo xa xỉ của Dior đòi hỏi rất nhiều loại vải trong khi Pháp lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi hậu quả của cuộc chiến tranh. Để đối phó với những lời chỉ trích, “phù thủy” thời trang tuyên bố đầy thách thức: "Châu Âu đã có đủ bom rồi, đã đến lúc chúng ta cần phải thấy pháo hoa”. Chính sự lạc quan này đã khiến cho xưởng may của Dior sau đó tràn ngập rất nhiều đơn đặt hàng, đưa Paris trở thành kinh đô thời trang đẳng cấp nhất thế giới. Thời trang những năm 1950 – những bộ váy xòe rộng chiết eo. Thế kỷ XX đã chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều nhà thiết kế. Ở Paris, những người như Hubert de Givenchy và Pierre Balmain vẫn tiếp tục giữ vững được danh tiếng của nền công nghiệp thời trang Pháp. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Mỹ và Ý cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho xứ sở lãng mạn này. Năm 1951, doanh nhân Giovanni Battista Giorgini đã tổ chức thành công một chương trình quảng bá các tác phẩm của các nhà thiết kế người Ý. Điều này đã giúp cho Ý nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của Pháp trong cuộc đua thời trang. Nhà thiết kế huyền thoại Pháp - Yves Saint Laurent làm việc trong phòng thu. Nhưng chính nhà thiết kế trẻ tuổi Yves Saint Laurent có lẽ có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ngành may mặc vào cuối những năm 1960 và những thập kỷ tiếp theo. Saint Laurent đã vực dậy dòng thời trang haute couture đang trên đà suy thoái bằng việc phá cách bộ trang phục của đàn ông để khoác lên mình phái đẹp - đặc biệt là bộ sưu tập nổi tiếng Le Smoking hay Dinner Jacket đã thể hiện tinh thần nổi loạn của nữ giới. Thương hiệu thời trang YSL cũng đi đầu trong việc sản xuất dòng thời trang “ready to wear” (bộ đồ may sẵn). Ngày nay, hầu hết các nhà mốt đều sản xuất những dòng may sẵn bởi nó có tính ứng dụng rộng rãi hơn cũng như đem lại lợi nhuận lớn hơn dòng thời trang cao cấp. Paris ngày nay vẫn là một trong 4 kinh đô thời trang đẳng cấp nhất thế giới, song hành cùng với Milan, New York và London. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều thành phố cũng đang vươn mình tìm kiếm cho mình một chỗ đứng trong làng thời trang - đặc biệt là Barcelona, Berlin và Singapore. Mặc dù phải đối mặt với một mức độ cạnh tranh tàn khốc nhưng thời trang Pháp vẫn luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trên trường quốc tế. Theo Hà Thu/ Tri Thức Trẻ Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|