Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp |
Từ ngày 9 đến 12/10/2024, Hội nghị UNESCO-APEID Toàn cầu lần thứ 10 về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong Giáo dục, được tổ chức bởi Mạng lưới giáo dục khởi nghiệp UNESCO (EE-Net), đã diễn ra tại Đại học Alfraganus, Tashkent, Uzbekistan với chủ đề “Giáo dục Khởi nghiệp: Tương lai của Thanh niên và Giáo dục Khởi nghiệp”.
Hội nghị UNESCO-APEID là sự kiện thường niên được tổ chức với mục đích thúc đẩy phát triển tinh thần khởi nghiệp, tư duy sáng tạo, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và công nghệ thông qua các sáng kiến do thanh niên lãnh đạo. Qua nhiều hoạt động và nhiều kênh khác nhau, EE-Net đã và đang tiếp tục tạo cơ hội cho các bên tham gia thảo luận, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Cụ thể, các mục tiêu chính của EE-Net bao gồm: Thúc đẩy thảo luận và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp; Phối hợp thực hiện các nghiên cứu về các vấn đề chuyên đề và có liên quan; Phổ biến các phương pháp giảng dạy tốt nhất và các cách tiếp cận sáng tạo; Đề xuất các chính sách, chiến lược, phương pháp sư phạm và công cụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục khởi nghiệp; Thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên của mạng lưới EE-Net nhằm mở rộng các sáng kiến và giải pháp toàn cầu về giáo dục khởi nghiệp. Giáo dục khởi nghiệp đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tư duy và kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ. Thông qua các chương trình giáo dục, thanh niên được trang bị khả năng giải quyết các vấn đề lớn, từ việc phát triển các ý tưởng kinh doanh sáng tạo cho đến việc xử lý các thách thức về môi trường và xã hội. Những sáng kiến như Mạng lưới EE-Net của UNESCO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu, chia sẻ kiến thức và xây dựng các chính sách giáo dục tiến bộ. Hội nghị lần này thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và doanh nhân. Hội nghị tập trung vào bốn chủ đề chính: Chính sách của chính phủ và các hoạt động, chương trình hành động, vận động hiệu quả cho giáo dục khởi nghiệp dành cho thanh thiếu niên; Tính ứng dụng thực tế tốt nhất từ các sáng kiến giáo dục khởi nghiệp; Khởi nghiệp do thanh niên lãnh đạo để giải quyết các vấn đề đổi mới xã hội, môi trường và công nghệ; Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của thanh thiếu niên. Chính phủ Việt Nam rất chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên Trong khuôn khổ Hội nghị, Thạc sĩ Lê An Na - đại diện duy nhất Việt Nam đã có bài phát biểu (vào ngày 10 và 11/10) chia sẻ về những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là cho thanh niên và sinh viên. Bài báo cáo chuẩn bị hai thứ tiếng Anh - Nga vì Uzbekistan sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Nga. ThS.Lê An Na nhấn mạnh rằng, năm 2016 là cột mốc quan trọng khi Chính phủ chính thức thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho các tài năng trẻ phát triển ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm thương mại hóa. Thạc sĩ Lê An Na cũng nhấn mạnh: chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương và truyền thông. Chính phủ nhận thấy rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ bắt đầu từ sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng. Vì vậy, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích sáng tạo, đặc biệt là từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách rất cụ thể và toàn diện, hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào khởi nghiệp; bao gồm việc tích hợp giáo dục khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học, cung cấp các khoản tài trợ và trợ cấp cho các công ty khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích các dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo và gìn giữ văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các chương trình cố vấn, các trung tâm ươm tạo và cơ hội kết nối thông qua các hội thảo và hội nghị đã được xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp trẻ. Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, nơi các startup có thể tiếp cận công nghệ, tài chính và cả những lời khuyên từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Thạc sĩ Lê An Na chỉ ra rằng, thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất còn hạn chế, và đội ngũ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp chưa đủ mạnh. Giáo dục khởi nghiệp vẫn là một lĩnh vực mới, và hiện tại Việt Nam chưa có ngành đào tạo chuyên biệt về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các trường đại học và viện nghiên cứu vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Thêm vào đó, cơ sở vật chất và hệ thống phòng thí nghiệm chưa đầy đủ và đang dần hoàn thiện cũng ảnh hưởng khả năng phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cô cũng lưu ý rằng sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và nhà trường vẫn còn yếu, chưa tạo ra đủ sự gắn kết để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Phát huy bản sắc văn hóa trong giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam Cụ thể hơn, cần hơn cả là sự đầu tư xây dựng các trung tâm ươm tạo và vườn ươm khởi nghiệp ngay tại các trường đại học. Các trung tâm này không chỉ cung cấp cơ sở vật chất mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Điều này giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành. Cô cho rằng một trong những giải pháp quan trọng nhất là cần đánh giá toàn diện và đúng mức, để dựa trên đó có những cải cách chương trình đào tạo một cách hợp lý, cân bằng tại các trường đại học. Chương trình giảng dạy không chỉ nên giới hạn trong lý thuyết mà cần kết hợp các hoạt động thực tiễn, ví dụ như các dự án khởi nghiệp và chương trình thực tập với sự tham gia của sinh viên, giáo viên ngay trong trường học, với sự cộng tác và cố vấn bởi các thầy cô, chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này sẽ giúp sinh viên không chỉ nắm bắt kiến thức mà còn hiểu cách ứng dụng nó vào thực tiễn một cách nhanh chóng, bài bản và rất thực tế. Theo Thạc sĩ Lê An Na, việc thiếu sự kết hợp giữa văn hóa và khởi nghiệp là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình trong lĩnh vực này. Cô nhấn mạnh rằng, cải cách chương trình đào tạo tại các trường đại học là điều cần thiết để phát triển giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam. Chương trình học cần được thiết kế lại để tích hợp các dự án thực tế và thực tập, nhằm cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức áp dụng trong môi trường khởi nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện và thay đổi nhận thức xã hội về khởi nghiệp cũng là những yếu tố không thể thiếu. Cô cho rằng, các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ cần được triển khai để nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm. Đồng thời, cũng rất cần nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong giáo dục khởi nghiệp. Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống, và điều này cần được tận dụng để xây dựng nền tảng giáo dục khởi nghiệp. Các thế hệ trẻ cần học cách hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, các giá trị và niềm tự hào dân tộc để từ đó phát triển tư duy sáng tạo dựa trên sự tôn trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa, nhưng cũng phải biết hòa nhập và đổi mới để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu. Đây cũng là lý do quan trọng mà chúng ta cần đánh giá đúng tiềm năng và nghiên cứu một cách nghiêm túc việc đưa yếu tố văn hóa vào trong mọi khía cạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp. Hiện tại, ThS. Lê An Na cũng đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ về Văn hóa, và trong nghiên cứu của mình, cô luôn tìm cách kết hợp yếu tố văn hóa vào giáo dục, đặc biệt là trong việc đào tạo khởi nghiệp. Các chương trình giảng dạy không chỉ nên tập trung vào các kỹ năng kinh doanh mà còn phải truyền tải giá trị văn hóa, giúp sinh viên hiểu rằng để thành công trên trường quốc tế, họ không chỉ cần kỹ năng mà còn cần có sự hiểu biết sâu sắc về nền tảng văn hóa của mình, đó là một lợi thế cạnh tranh riêng có của mỗi quốc gia nói chung, và Việt Nam nói riêng. Cái chúng ta có thể dễ dàng nhận diện nhất về yếu tố văn hóa trong cuộc sống, cũng như công việc, đó là những nghi thức xã giao, là cách chúng ta ứng xử, giao tiếp và đối thoại với nhau. Chúng ta nhìn thấy những cái rất chung, nhưng bên cạnh đó cũng nhiều cái rất riêng và nó phản chiếu một cách chân thực nhất về con người, sản phẩm, cũng như là chính doanh nghiệp. Trong kết luận, Thạc sĩ Lê An Na kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội, từ Nhà nước, doanh nghiệp đến các trường đại học và cá nhân, để giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam phát huy hiệu quả thực sự. Cô nhấn mạnh rằng, chỉ có sự hợp tác và hỗ trợ toàn diện mới có thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và bền vững cho tương lai. Theo Kết Nối Doanh Nhân tháng 10/2024 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|