Quảng bá vẻ đẹp và tiềm năng của vùng đất Lai Châu tại Đà Nẵng |
Diễn ra từ 22-24/11 với chủ đề "Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ", Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024 nhằm quảng bá du lịch, nét đẹp văn hóa của các dân tộc tại tỉnh Lai Châu đến với người dân Đà Nẵng nói riêng, du khách trong và ngoài nước nói chung. Ruộng bậc thang Dào San, huyện Phong Thổ - Ảnh: laichau.gov.vn Chiều 12/11, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo (trực tiếp và trực tuyến) thông tin về sự kiện Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng năm 2024. Theo đó, tại Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu năm 2024 tại Đà Nẵng gồm chuỗi các hoạt động: Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu, diễn ra từ 14-17h ngày 22/11 tại Khách sạn Mường Thanh Đà Nẵng. Tối cùng ngày là chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa-du lịch, từ 20-22h tại Công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng. Ngày 23/11 là các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa, văn nghệ (múa xòe, múa sạp, múa khèn, trình diễn nghề thủ công truyền thống…) tại Công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng. Đặc biệt, không gian trưng bày, giới thiệu du lịch, sản phẩm OCOP, ảnh đẹp du lịch Lai Châu sẽ được mở liên tục từ ngày 22-24/11 tại Công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng để du khách trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu văn hóa, du lịch Lai Châu. Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu cho biết, Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu năm 2024 tại Đà Nẵng nhằm quảng bá giới thiệu về miền đất, con người, tiềm năng thế mạnh của tỉnh Lai Châu; tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong cả nước; đặc biệt là quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số với người dân, du khách tại Đà Nẵng. Không những vậy, Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng còn là cơ hội lớn để các nghệ nhân, người nắm giữ thực hành di sản - chủ thể văn hóa Lai Châu được trình diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến du khách trong nước và quốc tế. Phụ nữ Dao Khâu thêu trang phục truyền thống. Trang phục của người Dao Khâu không sặc sỡ như các nhóm Dao khác mà rất đỗi dung dị với màu tràm là chủ đạo - Ảnh: VGP/Trần Huỳnh Lai Châu là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh-quốc phòng. Tỉnh cũng sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ, như quần thể động Pusamcap, động Tiên Sơn, thác Tác Tình, suối nước nóng Vàng Pó, cảnh quan dọc sông Đà, khu vực đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quý Hồ), suối nước nóng Vàng Pó, cao nguyên Sìn Hồ, cao nguyên Dào San, hồ Đông Pao… Đặc biệt, Lai Châu sở hữu 7/10 những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước (Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử…). Lai Châu cũng là nơi giao thoa sắc màu văn hóa của 20 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc riêng, từ trang phục, kiến trúc nhà, lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực đến tâm linh. Ngoài ra, tỉnh còn có 31 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng và một số nghề truyền thống và một số phiên chợ vùng cao, như: Chợ phiên San Thàng, chợ phiên Sìn Hồ, chợ phiên Dào San... Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, là "tọa độ" du lịch hút khách nhất miền Trung. Vì thế, Lai Châu đã lựa chọn Đà Nẵng làm địa điểm tổ chức Tuần Văn hoá-du lịch Lai Châu năm 2024. Với sức hút của Đà Nẵng, hình ảnh miền đất, con người Lai Châu được đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng năm 2024 là sự kiện văn hóa, du lịch được tỉnh Lai Châu chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch, vì thế, sự kiện hứa hẹn sẽ tạo ra sự bùng nổ cho du lịch Lai Châu trong dịp cuối năm 2024 và đầu năm 2025. (nguồn: baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|