top-banner-2

Du lịch - Điểm đến Thứ sáu, 12/07/2024, 14:43 GMT+7
Nhà ga cổ Đà Lạt chính thức trở thành điểm du lịch

Tỉnh Lâm Đồng đã công nhận ga Đà Lạt là điểm du lịch sau nhiều năm ga cổ này hoạt động du lịch với cơ chế của ngành vận tải.

nha-ga-co-da-lat-chinh-thuc-tro-thanh-diem-du-lich

Ga đường sắt Đà Lạt từ lâu đã trở thành điểm du lịch, dù đến nay mới chính thức được công nhận - Ảnh: YIRU

Chiều 11-7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch "Ga đường sắt Đà Lạt" (số 1 đường Quang Trung, phường 10, TP Đà Lạt).

Ông Nguyễn Chính Nam - trưởng ban kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết: “Để ga đường sắt Đà Lạt chính thức được công nhận là điểm du lịch, trở thành điểm đến văn hóa, nghệ thuật và di sản những năm gần đây, ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp, phát triển các sản phẩm vận tải trên tuyến Đà Lạt - Trại Mát”.

Theo ông Nam, ga đường sắt Đà Lạt được công nhận là điểm du lịch sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như bổ sung thêm các dịch vụ để phục vụ du khách tốt hơn.

Ga đường sắt Đà Lạt được mệnh danh là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Từ lâu ga đã là điểm đến, điểm check-in của nhiều người dân địa phương và du khách trong, ngoài nước.

Ga đường sắt Đà Lạt quản lý và vận hành tuyến đường sắt ngắn nhất Việt Nam, chỉ 7km. Tuyến đường này phục vụ du khách di chuyển từ trung tâm Đà Lạt đi Trại Mát.

Đây cũng là đoạn đường sắt duy nhất còn sót lại từ tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang Tháp Chàm - Đà Lạt năm xưa. Tàu lửa du lịch di chuyển với vận tốc khá chậm chỉ 15km/h, giúp du khách ngắm được trọn vẹn vẻ đẹp của TP Đà Lạt, nhất là khi thành phố lên đèn...

Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát để kết nối du lịch giữa nội ô Đà Lạt và vùng ngoại ô như khu Xóm Lèo và được đông đảo du khách hưởng ứng.

Tàu chạy từ ga Đà Lạt đến Trại Mát vào ban đêm - Ảnh: M.V

Tàu chạy từ ga Đà Lạt đến Trại Mát vào ban đêm - Ảnh: M.V

Tháng 12-2023, ga Đà Lạt đã thực hiện các chương trình biểu diễn ngay trên các toa tàu cổ để phục vụ du khách. Đến tháng 4-2024, đơn vị quản lý ga Đà Lạt phát triển thêm dịch vụ nhà hàng để phục vụ tiệc cho du khách ngắm cảnh đêm Đà Lạt từ toa tàu.

Nhà ga đường sắt Đà Lạt cổ là 1 trong 3 công trình biểu tượng của Đà Lạt

Ga Đà Lạt cùng với nhà thờ Chánh Tòa (Con Gà), Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Grand Lycée Yersin) đã trở thành ba biểu tượng của Đà Lạt.

Công trình nhà ga Đà Lạt gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư người Pháp Moncet. Năm 1932, kiến trúc sư cùng đồng nghiệp Reveron đã thiết kế và thi công ga hỏa xa Đà Lạt. Sau 5 năm thi công (vào năm 1936), nhà ga hoàn thành.

Dấu ấn di sản đã giúp ga Đà Lạt trở thành một viên ngọc sáng làm nên chất liệu du lịch của TP Đà Lạt.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon