top-banner-2

Cẩm nang Kinh doanh Thứ sáu, 05/01/2024, 15:47 GMT+7
Thông tư 06 của NHNN có nội dung trái luật: Không nên dựng thêm rào cản cho DN

Các chuyên gia cho rằng, hiện là lúc cần gỡ khó cho doanh nghiệp, thay vì dựng thêm rào cản vì doanh nghiệp đang rất khó khăn trong giai đoạn phục hồi "sức khỏe".

Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có kết luận kiểm tra Thông tư 06 ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Văn bản nêu rõ: Tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại một TCTD để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101 năm 2012 của Chính phủ, về thanh toán không dùng tiền mặt thì tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp: Khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong toả trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

“Như vậy, việc NHNN quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan”, kết luận nêu.

Từ đó, cơ quan này kiến nghị NHNN khẩn trương xử lý các nội dung trái luật trên. 

Thông tư 06 của NHNN có nội dung trái luật, gây khó cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Thông tư 06 của NHNN có nội dung trái luật, gây khó cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với kết luận trên, vì cho rằng nội dung bất cập này sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nêu ý kiến: Các ngân hàng đã có nhiều quy định trong hoạt động cho vay để kiểm soát rủi ro. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường của nhiều lĩnh vực đang đi xuống, kinh tế tăng trưởng chậm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì không nên đưa thêm những quy định mới không có lợi. 

“Ví dụ với lĩnh vực bất động sản, hiện thị trường trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, rất cần sự tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có chỉ đạo về việc thực hiện giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tinh thần của Chính phủ là vào cuộc quyết liệt, thực chất để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tinh thần này cần được các bộ, ban, ngành chung sức, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế”, TS Cấn Văn Lực nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thì cho rằng, quy định "phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay" được đề cập tại Thông tư 06 là "vênh" với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bất động sản. 

Theo ông Châu, trong lĩnh vực bất động sản, khách mua nhà thực hiện đặt cọc với chủ đầu tư là chuyện phổ biến, trong trường hợp bên nào không thực hiện thì phải bồi thường cho bên kia theo thỏa thuận. Ở đây, khách hàng và chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Nhưng theo quy định tại Thông tư 06, khách hàng vay tiền để góp vốn mà ngân hàng lại phong tỏa nguồn tiền này thì điều này chỉ có lợi cho ngân hàng vì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng. Trong khi đó người nhận tiền thanh toán, ở đây là chủ đầu tư, lại không được sử dụng số tiền này.

“Nếu theo quy định mới của NHNN, các khoản vay để thực hiện quyền hợp pháp trên sẽ bị phong tỏa, chủ đầu tư không được sử dụng nguồn tiền này là điều vô lý. Ngoài ra, luật Kinh doanh bất động sản hiện hành cũng như dự thảo sửa đổi cũng không đề cập đến việc phong tỏa tiền của khách hàng vay góp vốn với chủ đầu tư dự án bất động sản”, ông Châu nói. 

Ông Châu cho rằng, nếu quy định phong tỏa tiền vay cho hoạt động thanh toán vì sợ bên nhận thanh toán sử dụng sai mục đích, thiếu trách nhiệm hay lừa đảo thì không hợp lý. Vì việc sử dụng tiền có hiệu quả là trách nhiệm của bên nhận vốn góp hay chủ đầu tư.

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó, cần nhiều biện pháp tháo gỡ đồng bộ lúc này. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó, cần nhiều biện pháp tháo gỡ đồng bộ lúc này. (Ảnh minh họa)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Đạt, lãnh đạo một doanh nghiệp khai thác mỏ cho biết, nội dung trái pháp luật tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN mang tính bất hợp lý và hạn chế quyền góp vốn của các tổ chức, cá nhân. Bởi theo quy định hiện tại, bên nhận tiền góp vốn hoặc hợp tác đầu tư được quyền chủ động sử dụng dòng tiền để thực hiện dự án, có trách nhiệm báo cáo cập nhật cho bên góp vốn. 

“Với quy định bổ sung trong Thông tư 06, các ngân hàng không chỉ kiểm soát, giám sát hoạt động của bên đi vay mà yêu cầu kiểm soát, giám sát cả hoạt động và dòng vốn của cả bên nhận góp vốn. Doanh nghiệp không phải là bên đi vay trực tiếp mà vẫn phải chịu kiểm soát của ngân hàng, phải nộp các báo cáo cho các nhà băng là điều vô lý”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng cho rằng, quy định phong tỏa số tiền vay sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư phải làm thêm bảo lãnh thanh toán của ngân hàng hoặc thế chấp bổ sung tài sản đảm bảo khác, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

“Việc NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thoả thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm" sẽ gây mất dòng tiền, ảnh hưởng sự cân đối vốn của doanh nghiệp.

Thực chất, khi doanh nghiệp vay tiền là để cân đối vốn sản xuất, kinh doanh, để đối trừ, chi trả công nợ cho các nhà cung cấp, đối tác, tiền lương người lao động. Nếu bị phong tỏa như vậy, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ mất cân đối nguồn vốn, đối tác từ chối hợp tác, bộ máy ngừng hoạt động dẫn đến nguy cơ phá sản là rất lớn”, ông Đạt nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, hiện tại là lúc cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành để gỡ khó cho doanh nghiệp, thay vì dựng thêm rào cản. Cơ quan Nhà nước cần lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành văn bản.

Nguyên nhân là cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn lúc nào hết sau khó khăn vì dịch bệnh và thời gian dài bị siết tín dụng, trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp đã không còn tài sản, không còn nguồn lực để triển khai dự án, thậm chí đứng bên bờ phá sản.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/8/2023 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon