Địa phương lo thiếu điện cho khu công nghiệp, Chủ tịch EVN nói gì? |
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương sáng 20/12, nỗi lo thiếu điện được đại diện địa phương nhắc tới. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị. Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện tỉnh còn 520 ha đất công nghiệp, đầy đủ hạ tầng nhưng hạ tầng về điện chưa đáp ứng. Ông ví dụ, khu công nghiệp Nam Bắc Tiên Phong mới có 50 MW, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tại đây lên tới vài trăm MW. Hay trạm biến áp tại Khu công nghiệp Hải Hà Móng Cái đã sử dụng hết công suất, cần được nâng cấp. “Việc tăng năng lực cung ứng điện cho các khu công nghiệp hiện rất cấp bách, đề nghị bộ quan tâm", ông nói. Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, các địa phương có nhu cầu phát triển phụ tải tại khu công nghiệp cần trao đổi và thông tin sớm để ngành điện có sự chuẩn bị, có kế hoạch đầu tư sớm. Lý do là dự án điện cần nhiều thời gian để đầu tư. Theo ông An, việc thiếu điện thời điểm cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6 cho thấy còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, đến nay cung ứng điện đã trở lại bình thường, tăng trưởng điện thương phẩm 2023 ước tăng 4,6%. EVN đang chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng cao trong năm 2024 với GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng điện 9,4-9,8%. Giải pháp là hoàn thành sửa chữa các nhà máy, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất. Công trình 500kV có tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỉ đồng hiện đã thi công tuyến đầu tiên Nam Định - Thanh Hóa và đầu tháng 1/2024 sẽ khởi công đồng loạt các gói thầu còn lại. Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đảm bảo năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng Tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Phan Thị Thắng thông tin, năm 2023, Bộ Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt, ban hành toàn bộ 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Đây là kết quả đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các ngành năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản quốc gia và đối với cả nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng quy hoạch điện VIII, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản. Dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia cũng đã hoàn thiện để trình Thủ tướng. Bộ Công Thương cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện và các nhu cầu sản xuất công nghiệp khác. Đối với ngành dầu khí, năm 2023, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức 5-31% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện năm 2023 đạt 17,82 triệu tấn quy đổi, vượt 17% so với kế hoạch năm 2023. Công nghiệp tăng tốc ấn tượng Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thông tin, năm 2023 nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, sản xuất công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đã phục hồi tích cực và tăng trưởng trở lại, trong những tháng cuối năm, kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước (IIP năm 2023 ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Thứ trưởng Phan Thị Thắng Cũng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể. Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực Công Thương năm 2023, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ…) thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp... Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. (Nguồn: Vtc.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|