Hàng Việt phải nâng cao sức cạnh tranh |
Hàng Việt đang đứng trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt hơn khi hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử. Do đó ngoài các biện pháp bảo vệ hàng Việt, cần có chính sách hỗ trợ để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt. Nhiều ngành sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa chật vật cạnh tranh với hàng Trung Quốc - Ảnh: Q.Đ. Đó là khẳng định của ông Lê Bá Trình - nguyên thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, nguyên trưởng Ban Thường trực Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam thông qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Ông Trình nói: - Các nghiên cứu, khảo sát thị trường cho thấy cùng với việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tiêu dùng với giá thành cạnh tranh, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng các trung tâm livestream quy mô lớn. Đặc biệt là các kho hàng và các trung tâm xử lý đơn hàng tự động dọc biên giới với nước ta. Đây là điều kiện thuận lợi làm cho thời gian giao hàng của họ đến người tiêu dùng Việt Nam được rút ngắn rất nhiều khi sử dụng sàn TMĐT xuyên biên giới. Hàng hóa ngoại nhập qua sàn TMĐT xuyên biên giới sẽ như một làn sóng mới tràn vào, cạnh tranh với hàng trong nước, nhất là các mặt hàng thời trang, tiêu dùng từ Trung Quốc. Ông Lê Bá Trình * Nhiều tiểu thương Việt cũng chuyển sang buôn hàng Trung Quốc, liệu có phải tất cả hàng Việt đang yếu thế trước hàng Trung Quốc? - Tôi cho rằng sức ép từ hàng hóa thời trang và phụ kiện thời trang ở phân khúc trung bình và thấp của Trung Quốc với hàng Việt hiện nay là có thật. Tuy nhiên ở các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng... nhất là các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Bởi người tiêu dùng lo ngại về yếu tố bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe. Mặt khác, chúng ta đang phát triển các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP với các chuỗi phân phối... đưa đến người tiêu dùng cũng ngày càng đa dạng với mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện hơn. Song về lâu dài, nếu không có các giải pháp căn cơ từ sản xuất, phân phối đến cơ chế, chính sách bảo vệ hàng Việt, sức ép này cũng sẽ đè nặng lên cả những mặt hàng mà chúng ta đang có lợi thế. * Vậy ông có nghĩ sẽ có lúc chúng ta "thua trên sân nhà"? - Đúng là từng có thời kỳ người tiêu dùng Việt Nam thích mua hàng giá rẻ của Trung Quốc. Nhưng qua sử dụng, hầu hết mặt hàng này kém chất lượng, đặc biệt là hàng đưa qua đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu. Các sản phẩm này mẫu mã "đẹp long lanh", thậm chí gắn mác thương hiệu nổi tiếng nhưng dùng mau hỏng, thậm chí là không bảo đảm an toàn, sức khỏe... Vì vậy, chính người tiêu dùng đã từ bỏ các mặt hàng này và quay về yêu thích hàng trong nước với ý thức của người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên những năm gần đây các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất từ mặt hàng tiêu dùng hằng ngày (cả trên sản phẩm nông nghiệp) đến các phương tiện sinh hoạt khác với tiêu chí "nhanh, nhiều, tốt, rẻ". Cộng thêm sự tiếp sức của các sàn TMĐT, đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà giữa hàng Việt và hàng ngoại nhập từ nước láng giềng Trung Quốc. Vì vậy, nếu chúng ta không chịu bứt phá từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và các giải pháp bảo hộ, hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. * Có gì mâu thuẫn khi chúng ta xuất khẩu nhiều sản phẩm ra nước ngoài nhưng ở thị trường nội địa vẫn rất gian nan, vì sao? - Tháng 3-2023, Brand Finance là công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố Top 100 thương hiệu giá trị nhất của Việt Nam 2023, đặc biệt là 10 thương hiệu trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và thực phẩm... Điều này khẳng định hàng hóa thương hiệu Việt ngày càng có chất lượng và có vị trí trên thị trường thế giới. Trong khi đó lại gặp khó khăn ngay trong nước khi cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập. Tôi cho rằng một trong những vấn đề gây ra nghịch lý này là khâu liên kết giữa sản xuất với dịch vụ phân phối; đặc biệt là hoạt động TMĐT của chúng ta chưa ngang tầm. Chúng ta cũng đã có một số sàn, nhưng việc rút ngắn thời gian giao hàng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chưa thật sự tốt. Đặc biệt là khâu hậu mãi, mỗi khi xảy ra sự việc hàng nhận về bị lỗi, phải đổi trả..., thủ tục rất nhiêu khê và thời gian giải quyết lâu... Rõ ràng khi doanh nghiệp Việt không làm được, sân chơi này sẽ do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Không thể ngăn cấm việc đưa hàng hóa của nước ngoài vào Việt Nam qua các sàn TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên cũng không thể buông lỏng mà các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực TMĐT phải nghiên cứu đề ra những quy định liên quan để bảo vệ hàng Việt, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt trên sân nhà. Tất nhiên là các giải pháp này không trái với cam kết, luật chơi của quốc tế. Ví dụ, cần sớm nghiên cứu thay đổi quy định về miễn đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhằm hạn chế phần nào tình trạng hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp logistics Theo ông Lê Bá Trình, để cạnh tranh với hàng nhập qua các sàn TMĐT, các doanh nghiệp Việt cũng cần đầu tư hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất kết hợp với đổi mới phương thức phân phối, ứng dụng sàn TMĐT hoặc liên kết ngay với doanh nghiệp phân phối trên sàn TMĐT. Phải đảm bảo sao cho việc đưa hàng đến tay trực tiếp người dùng, đảm bảo chất lượng, đa dạng, phong phú, giá thành thấp, vừa nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt, cùng với các chính sách hỗ trợ phù hợp, Nhà nước cũng cần đầu tư hạ tầng logistics (kho bãi, công nghệ quản lý, giao nhận hàng...) và có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp logistics, chính sách ưu tiên hoạt động của sàn TMĐT cùng với nghiên cứu tạo ra các rào cản hợp lý đối với hàng ngoại nhập, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối tốt hơn nữa. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|