top-banner-2

Chân dung Doanh nhân Thứ năm, 21/03/2024, 14:38 GMT+7
Chủ tịch Saigon Books: Tuổi đôi mươi đừng ngại lối đi khác biệt

Hiện nay, các bạn trẻ đối diện với nhiều thách thức và cơ hội. Nên việc xác định và theo đuổi mục tiêu của bản thân trở nên rất quan trọng. 

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Ảnh: Facebook nhân vật

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Ảnh: Facebook nhân vật

Năm 1990, tôi trúng tuyển K16 - Đại học Kinh tế TP.HCM cùng 770 sinh viên. Xuất phát từ một huyện ngoại thành nên khi gặp gỡ những bạn học giỏi giang dân thành phố, tôi có chút tự ti.

Tôi đặt mục tiêu phải khác biệt

Tôi đặt mục tiêu cho mình: phải khác biệt. Tôi chọn điểm khác biệt là nghiên cứu khoa học. Trong khi bạn bè còn bỡ ngỡ với môi trường đại học, tôi đã miệt mài vô thư viện để nghiên cứu về đề tài Luật phá sản.

Tôi tham gia cuộc thi Giải pháp kinh tế năm 1991 do Thành Đoàn tổ chức và chỉ được giải Thí sinh trẻ tuổi nhất. Sau đó, tôi tiếp tục đeo đuổi việc nghiên cứu khoa học và đạt được Giải thưởng Eureka cho 2 đề tài cùng lúc; bằng khen của Thủ tướng về nghiên cứu khoa học...

Ra trường, tôi về làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu của tôi là trở thành một người làm việc chuyên nghiệp, vượt hơn sự mong đợi của lãnh đạo.

Tôi bắt đầu từ vị trí thấp nhất là nhân viên phòng kinh doanh. Trải qua các vị trí tiếp theo là nhân viên phòng tài chính, trợ lý tổng giám đốc, phó trưởng phòng kinh doanh gas, bí thư Đoàn Thanh niên, tôi đều được đánh giá là hoàn thành tốt công việc. Đồng thời, tôi cũng đăng ký theo học thạc sĩ, nghiên cứu sinh...

Nhìn lại, tôi nhận ra chính vì đặt mục tiêu trở thành người làm việc chuyên nghiệp đã giúp tôi nỗ lực hoàn thiện bản thân. Nhờ vậy, tôi có cơ hội thăng tiến, có tầm ảnh hưởng rộng hơn và làm được nhiều việc có ích.

Rời doanh nghiệp nhà nước, tôi về làm tại một công ty gas tư nhân. Tôi trở thành cổ đông với 20% cổ phần và giữ vị trí điều hành kinh doanh. Công ty có cổ đông là 1 quỹ đầu tư có uy tín. Tôi đặt mục tiêu là sẽ nỗ lực làm việc, để sau này bán 20% cổ phần của mình, thu về số tiền lớn. Tôi muốn làm giàu bằng sức lao động và năng lực của mình.

Cùng với các đồng nghiệp và cổ đông, chúng tôi đã phát triển được công ty và sau đó bán lại cho một tập đoàn nước ngoài. Tôi bán cổ phần của mình và thu về hơn 1 triệu đô la Mỹ. Năm đó, tôi 35 tuổi.

Tôi về làm việc cho một công ty nữ trang số 1 Việt Nam, phụ trách đầu tư, marketing và nhân sự. Mục tiêu của tôi trong giai đoạn này là học hỏi và trải nghiệm vai trò lãnh đạo doanh nghiệp lớn.

Tôi đã may mắn có những người sếp giỏi đã yêu thương, chỉ dẫn; những bạn đồng nghiệp xuất sắc đã luôn chung tay. Nhờ vậy, tôi đã trưởng thành hơn và học hỏi được nhiều điều. 

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi chọn ngành xuất bản sách vì muốn góp phần mang lại tri thức giá trị cho mọi người

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi chọn ngành xuất bản sách vì muốn góp phần mang lại tri thức giá trị cho mọi người

44 tuổi, tôi quyết định khởi nghiệp. 

Tôi chọn ngành xuất bản sách vì muốn góp phần mang lại tri thức giá trị cho mọi người. Tôi thích đọc sách và hiểu rõ giá trị mà sách đã mang lại cho cuộc đời mình.

Mục tiêu của tôi là xây dựng thành công một công ty sách, nuôi được bộ máy và xuất bản được những cuốn sách có giá trị.

Nhiều bạn bè lúc đầu đã cản tôi vì cho rằng thị trường sách Việt Nam quá nhỏ, sách lậu tràn lan... Tuy nhiên, tôi vẫn vui vẻ và lạc quan khi khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất bản, vì tôi xác định mục tiêu cuộc đời của tôi là tạo ra giá trị có ích cho cộng đồng.

Bây giờ, ở lứa tuổi không còn trẻ, nhìn lại chặng đường đã đi qua, với những mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc đời mình, tôi thấy có một điểm chung - nhất quán: Hoàn thiện bản thân để trở thành người có giá trị, có ích cho gia đình và cộng đồng.

Theo đuổi mục tiêu như thế nào? 

Ảnh: Technology Advice

Ảnh: Technology Advice 

Hiện nay, các bạn trẻ đối diện với nhiều thách thức và cơ hội. Nên việc xác định và theo đuổi mục tiêu của bản thân trở nên rất quan trọng.

Để thực hiện sứ mệnh cá nhân và tạo dựng một cuộc sống đầy ý nghĩa, không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực, mà còn cần một phương pháp tiếp cận thông minh và linh hoạt.

1. Xác định lý do đằng sau mục tiêu:

Khi đặt ra mục tiêu, cần hiểu rõ lý do bạn muốn đạt được điều đó. Lý do không chỉ là động lực thúc đẩy bạn mỗi ngày, mà còn là phao cứu sinh giữa biển cả mênh mông của sự nghi ngờ và mất phương hướng.

Một người quyết định chạy marathon không phải vì muốn giảm cân, mà vì muốn thử thách bản thân, vượt qua giới hạn của bản thân và tìm kiếm cảm giác thành tựu sau khi vượt qua đích. Hay một sinh viên chọn học ngành y không chỉ vì đó là ngành nghề "an toàn" về mặt tài chính, mà vì có ước mơ từ nhỏ là giúp đỡ người khác và cứu người.

2. Chia nhỏ mục tiêu:

Mục tiêu lớn thường gây cho chúng ta cảm giác nặng nề và khó khăn trong việc bắt đầu. Chia nhỏ mục tiêu thành các bước nhỏ, dễ quản lý giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận và thực hiện hơn.

Để viết một cuốn sách, thay vì nghĩ về việc hoàn thành ngay 300 trang, hãy bắt đầu với việc viết mỗi ngày 500 từ. Dần dần, những trang sách sẽ được hoàn thiện mà không gây áp lực quá lớn.

Hay một người muốn tiết kiệm 100 triệu đồng trong một năm có thể chia nhỏ mục tiêu thành việc tiết kiệm 8,3 triệu mỗi tháng, hoặc thậm chí là 275.000 đồng mỗi ngày.

Bằng cách xác định rõ ràng "lý do", chia nhỏ mục tiêu, chúng ta có thể vượt qua mọi thách thức, hoàn thiện bản thân để trở thành người có giá trị và tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.

(Nguồn: Tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

kndn

metro-sai-gon