Rằm Tháng Bảy - Bàn chuyện từ thiện của doanh nhân |
Lễ Vu lan - Rằm Tháng Bảy, từ lâu đã trở thành ngày hội văn hóa lớn không chỉ của riêng những người con Phật mà còn mang ý nghĩa với những người làm kinh doanh bởi đây là dịp thuận lợi để bày tỏ nghĩa khí, thể hiện tấm lòng cao đẹp dành cho cộng đồng. Mùa Vu lan về là dịp để mỗi người tưởng nhớ, tri ân, báo ân với các đấng sinh thành, các bậc tiền nhân của gia đình, dòng họ, quốc gia, dân tộc. Ngoài việc báo ân, tháng này mỗi người trong chúng ta còn chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn không may mắn, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa. Ngày nay, doanh nhân làm từ thiện đã trở thành hình ảnh phổ biến trong xã hội. Vì họ đủ “lực” để thực hiện điều đó với cái “tâm” thực sự mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Khi mà cơm đã no, áo đã ấm, người ta mới có thể dành nhiều tâm sức cho việc này. Cuộc sống bớt bề bộn lo toan về vật chất thì họ cũng dễ dàng hành động hào phóng. Có thể thấy, những việc làm ý nghĩa trong cuộc sống luôn là hạt mầm tốt gieo trồng cuộc sống ý nghĩa hơn. Bạn mang hơi ấm đến cho những người kém may mắn, thì bạn cũng đang cho chính doanh nghiệp của bạn những thị trường tiềm năng. Trong tối tăm của hoàn cảnh, thì từ thiện là ánh sáng cho những người không may mắn tìm thấy đường đi. Từ thiện không chỉ đơn giản là cho họ của cải, mà còn cho họ một nền tảng để những người kém may mắn có thể bước tiến lên trong tương lai. Một doanh nghiệp có thể nghĩ đến những điều này, hẳn không phải là doanh nghiệp tầm thường. Một doanh nghiệp biết quan tâm đến những số phận bất hạnh, hẳn là doanh nghiệp đáng nể phục. Một doanh nghiệp cho đi mà không màng nhận lại, hẳn là một doanh nghiệp tốt đẹp với văn hóa hoàn chỉnh. Tất cả những điều đó, giúp tạo cho doanh nghiệp của bạn một uy tín vững vàng. Trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế thế giới, việc từ thiện càng trở nên quan trong hơn bao giờ hết. Nó không chỉ giúp các doanh nghiệp chứng tỏ được uy tín cũng như văn hóa tốt đẹp của mình mà còn giúp nâng cao và phát triển thị trường tiềm năng, góp phần làm cho doanh nghiệp thêm một bước tiến mới. Chính vì lẽ đó, rất nhiều những nhà lãnh đạo, các doanh nhân coi việc làm thiện nguyện là một trong những hoạt động gắn liền với sự phát triển thương hiệu, dễ nhận thấy nhất là hình ảnh cá nhân. Bên cạnh những giá trị đích thực được ghi nhận và trân trọng thì một bộ phận doanh nhân lại xem đó là phương tiện để PR, đánh bóng tên tuổi, là phương tiện chỉ hòng nhận được sự ngưỡng mộ, kính nể của mọi người. Họ dùng “lực” mà không hề có “tâm” để phục vụ cho những mục đích hữu danh vô thực. Câu chuyện làm từ thiện của các doanh nhân trong xã hội, đặc biệt là doanh nhân có tiếng tăm đã gây ra không ít phản ứng trái chiều. Mặt khác, chuyện giúp đỡ người khác cũng không đơn giản rằng cứ cho đi thì sẽ nhận lại, mà cho cũng cần phải đúng người đúng cách. Đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng thương hiệu cá nhân để trục lợi trên lòng tốt của các nhà hảo tâm. Nhiều mạnh thường quân vì quá vô tư cả tin trước những lời kêu gọi, dù chưa biết rõ nguồn gốc thông tin đó có chính xác không đã mù quáng gửi tiền. Các chương trình từ thiện nhân dịp Vu Lan được thực hiện gây quỹ vì người nghèo diễn ra nhộn nhịp, để rồi khi phát hiện ra những trường hợp gian dối thì nhiều người tỏ ra có cái nhìn tiêu cực ngay cả với những người làm sự kiện chân chính. Nhìn chung về bản chất, các hoạt động thiện nguyện vẫn chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dù hành động với ý nghĩa gì thì việc làm của các doanh nhân vẫn đáng được tôn trọng. Rất nhiều người kém may mắn trong xã hội cần được giúp đỡ. Do đó, theo ý kiến chủ quan của người viết, đừng sợ “thương nhầm” mà không sẵn lòng sẻ chia, đừng vì một vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà không tiếp tục vào cuộc chung tay với những mảnh đời bất hạnh. Tháng Bảy Âm lịch, cơ địa của mỗi người sẽ trở nên nóng nảy, khó chịu hơn. Tuy nhiên nó sẽ dịu đi, mọi thứ sẽ không còn căng thẳng nữa khi các doanh nhân nói riêng và xã hội nói chung biết sẻ chia và đóng góp cho cộng đồng.
Huế Thương Theo Tạp chí Kết nối doanh nhân Tháng 9 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|