Trị đau đầu theo cách độc đáo của đông y |
Hiện nay nhiều người nghiêng về "tự nhiên liệu pháp - không dùng thuốc". Thảo dược thiên nhiên, kích thích huyệt vị đang được ưu tiên chọn lựa thay cho các loại thuốc nhiều tác dụng phụ trị đau đầu. Nhiều nguyên nhân dẫn đến đau đầu và trị liệu không dùng thuốc đang được quan tâm - Ảnh minh họa Nhiều nguyên nhân dẫn đến đau đầu, không chỉ bệnh tại đầu Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết đau đầu là cảm giác đau ở một trong ba khu vực khác nhau: đau ở ngay phía trên hai mắt, hai tai; đau ở phía sau gáy; đau ở vùng trên của cổ. Người ta chia ra làm hai loại đau đầu: Đau đầu nguyên phát gồm: - Căng thẳng: Là loại thường gặp nhất, khoảng 90% người trưởng thành có loại đau đầu này, nhất là ở phụ nữ. Triệu chứng đau thường khởi phát từ gáy, vùng trên cổ, đau thắt hoặc tức, cảm giác như đầu bị quấn băng chặt, nhất là vùng chân mày hai bên mắt. Cường độ đau thường nhẹ (không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động) và đau thường có ở cả hai bên đầu. Các cơn đau đầu này xảy ra rời rạc hoặc thường xuyên, đa số các bệnh nhân vẫn sinh hoạt hằng ngày bình thường. - Cơn đau nửa đầu Migraine: Thường gặp thứ hai sau đau đầu do căng thẳng, cả người lớn lẫn trẻ em đều bị. Trước tuổi dậy thì, tỉ lệ nam và nữ bị chứng đau đầu này như nhau, nhưng qua giai đoạn này thì ưu thế nghiêng về nữ nhiều hơn (ở nam là 6%, nữ 18%). Chứng đau nửa đầu này thường không được chẩn đoán, hay chẩn đoán nhầm với đau đầu do căng thẳng, đau đầu do viêm xoang, cho nên khá nhiều người bị đau đầu kiểu này không được điều trị thích đáng. Triệu chứng là những cơn đau đầu kinh niên tái đi tái lại, đau dữ dội, có tính chất đập theo nhịp mạch (mạch máu) xuất hiện thành từng cơn, chỉ ở một bên thái dương (cũng có khi đau ở vùng trán, quanh mắt, vùng gáy), trong cơn đau có những lúc đau xuất hiện cả hai bên đầu (khoảng 1/3 thời gian đau). - Ðau đầu từng đợt (đau đầu histamine, đau đầu Horton): Một chứng đau đầu nguyên phát ít gặp nhất, chiếm khoảng 0,1% dân số. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới (chiếm 85%). Tuổi trung bình bị bệnh 28-30 tuổi. Triệu chứng đau đầu từng đợt là loại đau đầu kéo dài mỗi đợt chừng vài tuần đến vài tháng, giữa mỗi đợt là khoảng thời gian trống, bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng, kéo dài cũng khoảng vài tháng. Cơn đau có xu hướng xảy ra vào cùng một thời điểm trong ngày và thường làm bệnh nhân thức giấc khi đang ngủ say vào nửa đêm. Khác với chứng đau nửa đầu, chứng đau này làm bệnh nhân rất khó chịu, bứt rứt, tối không ngủ được. Ðau đầu thứ phát là triệu chứng của một bệnh nào đó, đau do một bệnh cụ thể gây ra nặng như u não, chấn thương sọ não, viêm màng não, xuất huyết dưới màng nhện, đến mức độ nhẹ hơn và thường gặp hơn như đau đầu do cao huyết áp, viêm xoang. Nguyên nhân gây đau đầu có thể chia làm mấy loại chính sau: do bệnh có tính mạch máu như cao huyết áp; do độc tố tích tụ trong máu như trúng độc ôxit cacbon; do sốt; do bệnh gần đầu như mắt, mũi, răng và bệnh ở đầu như phù não... Đặc biệt là đau đầu do bệnh các bộ phận trong đầu gây nên. Khi bệnh phát sẽ có các triệu chứng hoa mắt, ù tai, buồn nôn… Ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng tốt cho não bộ, tránh đau đầu - Ảnh minh họa Thảo dược trị đau đầu Nếu đau đầu do cảm: Hành củ 10g, đạm đậu xị 10g, gạo tẻ 100g. Gạo vo sạch đem nấu thành cháo, khi nhừ cho đạm đậu xị và hành vào đun thêm một lát là được, chia ăn vài lần trong ngày. Cũng có thể cho thêm lá tía tô tươi 10g, gừng tươi 3 lát để làm tăng khả năng giải cảm, trừ hàn. Hoặc sinh khương (gừng tươi) 10g, rửa sạch, thái vụn, hãm với nước sôi, uống nóng. - Do nhiệt gây đau đầu: Xuyên khung 3g, lá trà 6g. Hai vị đem sắc lấy nước uống ấm. - Do tức giận làm can khí uất kết: Cà chua 250g, gạo tẻ 100g, đường đỏ 150g, nếu có thêm một chút dầu hoa hồng thì càng tốt. Chia ăn vài lần trong ngày. - Do đờm trọc ngăn trở: Bạch cương tàm 6-8g, hành củ 6g, lá chè 3g. Ba thứ thái vụn, hãm hoặc sắc uống thay trà hằng ngày. Hoặc hoài sơn 30g, bán hạ chế 30g, hoài sơn thái vụn, sắc bán hạ lấy nước rồi nấu với hoài sơn thành cháo, chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày. - Do thiếu máu: Hoàng tinh 30g, đảng sâm 30g, hoài sơn 30g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, chặt miếng; các vị thuốc thái phiến cho vào túi vải. Tất cả cho vào nồi, chế đủ gia vị, hầm nhừ, chia ăn vài lần trong ngày. - Do huyết ứ: Xuyên khung 3-6g, hồng hoa 3g, lá chè (tươi) 3-6g. Sắc uống thay trà. Vị trí huyệt tâm điểm, đại lăng trị đau đầu - Ảnh minh họa Kích thích huyệt tay trị ngay cơn đau đầu Lương y Hoàng Duy Tân cho biết dựa vào vị trí đau đầu có thể kích thích huyệt vị ở trên tay để hạn chế đau, khôi phục đầu óc thanh thoát. Lương y Tân phân tích, do đau đầu và co thắt mạch máu có quan hệ trực tiếp, kích thích huyệt đạo trên Tâm bào kinh có quan hệ trực tiếp với tạng tâm, không những có thể khôi phục công năng tim, còn có thể hạn chế đau đầu. Huyệt Tâm điểm (điểm giữa đốt đầu ngón tay giữa) và huyệt Đại lăng (huyệt nằm ở vị trí nhô cao (đại) ở cổ tay có hiệu quả kỳ diệu đối với các loại đau đầu (xem hình). Kích thích các vị trí trên tay để chữa các vị trí đau ở đầu - Ảnh minh họa Ngoài ra, dựa vào vị trí và tình trạng đau đầu, có thể chọn huyệt kích thích khác nhau (xem hình): Toàn bộ đầu đều đau, kích thích điểm trước đầu (rìa mặt ngoài đốt thứ 2 ngón tay trỏ) - Đau ở giữa đầu, kích thích điểm đỉnh đầu (rìa bên tay trỏ đốt thứ hai ngón giữa) - Đau phía sau đầu, kích thích điểm sau đầu (điểm giữa mặt sấp trên đốt ngón tay cái) - Đau ở hai bên đầu, kích thích điểm bên đầu (rìa phía ngón út đốt thứ hai ngón áp út) - Đau đầu do ăn uống quá mức hoặc say rượu gây ra, kích thích điểm trước đầu (rìa mặt ngoài đốt thứ 2 ngón tay trỏ). Phương pháp kích thích huyệt là dùng vật có đầu nhọn như que tăm để kích thích, sau khi kích thích mạnh nhiều lần lặp đi lặp lại có thể hạn chế đau đầu, khôi phục đầu óc thanh thoát. Dùng 5 - 10 que tăm hay đuôi kẹp tóc, kích thích 7 - 10 lần. Cường độ kích thích phụ thuộc triệu chứng, càng nặng kích thích càng mạnh. Nếu bỗng nhiên đau đầu khi đi đường hay trong hội nghị, có thể kích thích huyệt cả hai tay. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|