Có thể 'hồi sinh' nhờ các loại cây lá quanh nhà, uống thuốc cổ truyền thế nào cho đúng? |
Thực tế có nhiều ca nguy kịch vì uống thuốc của các "lang băm" nhưng cũng không ít ca bệnh viện trả về, nhờ thuốc cổ truyền chính hiệu lại hồi sinh? Vậy chữa theo y học cổ truyền thế nào cho đúng? Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Ảnh: HÀ LINH Có thể hồi sinh nhờ thuốc cổ truyền? Anh N.V.T. (57 tuổi, TP.HCM) không bao giờ nghĩ mình có thể quay trở lại làm việc bình thường như bây giờ. Cách đây hơn 2 năm anh bị bệnh rất nặng: suy thận, xơ gan bụng trướng, phổi tràn dịch..., hai bệnh viện lớn đều khuyên người nhà cho anh về vì không thể cứu được. Trong lúc "chờ chết", gia đình cho anh đi chữa thuốc nam chỉ với hy vọng kéo dài được ngày nào hay ngày đó. Nhưng không ngờ sau một thời gian chữa trị theo y học cổ truyền, sức khỏe anh lại cải thiện dần và sau gần 2 năm anh đã khỏe mạnh và đi làm trở lại. Trao đổi với phóng viên về việc nhiều người nguy kịch nhưng cũng có nhiều người hồi sinh nhờ cách chữa của y học cổ truyền, thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết y học hiện đại và y học cổ truyền là hai nền y học đều có mục tiêu chung, đều vì người bệnh, giúp con người chống lại bệnh tật. Nhưng do ra đời trong những điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội khác nhau, đồng thời lại dựa trên những cơ sở lý luận không giống nhau nên việc chữa trị và dùng thuốc có nhiều điều khác biệt. Chẳng hạn, như phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" mới chỉ được đề cập đến một cách chính thống trong nền y học hiện đại ở nước ta từ giữa thế kỷ thứ 20, nhưng trong y học cổ truyền có từ cách đây hơn 2.000 năm với nội dung hết sức sâu rộng bằng học thuyết "trị vị bệnh" được ghi lại sớm nhất trong y thư kinh điển "Hoàng đế Nội kinh". "Trị vị bệnh" có nghĩa là chữa bệnh từ khi chưa có bệnh. Với học thuyết "trị vị bệnh", y học cổ truyền yêu cầu các thầy thuốc cần quán triệt quan điểm "dùng thuốc tuy tốt, nhưng không dùng còn tốt hơn". Ngoài ra, cần có sự hiểu biết cả về y dược học với thiên văn học, địa lý học, triết học, nông học, số học, âm luật học, đạo học, Phật học, ẩm thực dinh dưỡng, binh pháp, chính pháp, khí công… để làm cơ sở thực hiện tốt nhất học thuyết "trị vị bệnh" vì sức khỏe của cộng đồng. Thạc sĩ Toàn phân tích "vị bệnh" là thuận theo quy luật biến hóa của âm dương tứ thời mà tăng cường phương pháp dưỡng sinh dự phòng, chữa bệnh từ khi bệnh chưa phát, từ đó sẽ không mắc bệnh nữa hoặc giả cần phát hiện rất sớm những thay đổi về sắc mạch, khẩn trương điều trị, dập tắt sự nảy sinh của bệnh từ lúc còn manh nha không cho bệnh phát sinh. Dùng y học cổ truyền thăm khám và chữa trị cho bệnh nhân - Ảnh HÀ LINH Chữa bệnh "nan y" chưa đủ nghiên cứu kết luận? Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, việc có những bệnh nhân mắc bệnh rất nặng, đến giai đoạn nằm ngoài khả năng chữa trị của y học hiện đại, trong y học cổ truyền gọi là "tứ chứng nan y", thì vẫn có thể chữa khỏi bằng các biện pháp mang tính chất toàn diện của y học cổ truyền, trong đó có việc dùng thuốc nam. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu đủ sức thuyết phục nào làm rõ cơ chế tác động đặc thù của các bài thuốc y học cổ truyền đối với cơ thể con người. Các nhà y dược học hiện đại bao giờ cũng đặt câu hỏi là: bài thuốc cổ truyền này có chất gì và cơ chế tác dụng của nó ra sao, nhưng họ không biết rằng công năng của các phương thuốc đó không chỉ ở một vài hoạt chất phân tích được, mà đó là sự tác động tổng hòa và hữu cơ của nhiều chất khác nhau mang đậm tính điều hòa cân bằng của tự nhiên. Theo y học cổ truyền, đó chính là việc kết hợp hài hòa và hợp lý giữa phép Công tà (tiêu diệt, ức chế, loại trừ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh) và phép Bổ chính (phục hồi, bảo vệ và nâng cao chính khí hay còn gọi là sức đề kháng, sức miễn dịch của cơ thể), từ đó mà tái lập lại cân bằng âm dương, khí huyết mà đạt được mục đích phòng chống bệnh tật. Ở Trung Quốc, khi nghiên cứu về thuốc y học cổ truyền, ngoài những điều đã được giải mã (gọi là Hộp trắng) thì những vấn đề còn bí ẩn (gọi là Hộp đen) mà "chữa được bệnh cứu được người" thì người ta vẫn công nhận và cho phép sử dụng miễn là đảm bảo an toàn cho người bệnh. Muốn có kết quả phải tuân thủ nguyên tắc điều trị toàn diện Ông Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, để có được kết quả trong điều trị y học cổ truyền phải tuân thủ triệt để nguyên tắc trị liệu toàn diện của Đông y, nghĩa là ngoài việc dùng thuốc, cần chú ý đồng thời sử dụng các biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh, tâm lý liệu pháp, dược thiện (món ăn - bài thuốc), điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp... Đương nhiên, việc dùng thuốc vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trong cùng một thể bệnh trên mỗi bệnh nhân, việc gia giảm thuốc cũng khác nhau và được điều chỉnh ở từng giai đoạn của bệnh, nhờ đó mà có kết quả. Cùng một bài thuốc nhưng gia giảm, bào chế không hợp lý thì cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa thuốc y học hiện đại và y học cổ truyền. Tuy nhiên việc dùng thuốc của Đông y đòi hỏi người bệnh phải rất kiên trì, không được sốt ruột ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả chữa trị. Bởi lẽ thuốc Đông y có tác dụng trị bệnh tận gốc, hiệu quả đạt được chậm nhưng ổn định lâu dài và người bệnh hầu như không hoặc rất ít bị các phản ứng phụ. Theo ông Toàn, tùy bệnh lý và giai đoạn bệnh mà dùng y học hiện đại hoặc y học cổ truyền cho phù hợp. Nếu bệnh mạn tính, bệnh do cơ năng thì có thể dùng các biện pháp của đông y, nếu cấp tính, do thực thể thì nhất thiết phải xử lý bằng các biện pháp của y học hiện đại, lúc này y học cổ truyền chỉ có vai trò hỗ trợ. Tuyệt đối không nên tìm đến các ông "lang băm" bắt mạch kê đơn đơn thuần mà chưa biết tình trạng bệnh lý cụ thể như thế nào, điều đó chỉ khiến cho người bệnh lâm vào tình trạng "tiền mất tật mang". (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|