Phim điện ảnh “Kiều” dưới góc nhìn cởi mở |
Văn học và điện ảnh dù được xây dựng trên cùng một nội dung thì vẫn luôn có những giá trị sáng tạo riêng cho từng phạm trù nghệ thuật. Mặc dù nền điện ảnh Việt Nam ở thế kỷ 21 đã có bước phát triển vượt bậc nhưng so với một số nước châu Á, dòng phim cổ trang của nước ta vẫn đang bị bỏ lại một khoảng cách khá xa. Không thể phủ nhận sự cuốn hút đặc biệt của dòng phim này đối với nhà sản xuất lẫn khán giả Việt, tuy nhiên để hiện thực hóa những câu chuyện ít nhiều mang hơi thở lịch sử lên màn ảnh rộng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ngược lại, đề tài này luôn khiến giới mộ điệu phải trăn trở. Khi đạo diễn Mai Thu Huyền quyết dốc hết tâm sức để đưa “Kiều” lên phim được xem là chuyến ra khơi liều lĩnh và mạo hiểm. Truyện Kiều vốn ăn sâu vào đời sống người Việt nên vô hình chung công chúng đã có những khuôn thước cho các nhân vật trong tác phẩm kinh điển này. Thế nên, phim điện ảnh “Kiều” không thể tránh khỏi ý kiến trái chiều khi có những sáng tạo khác biệt so với hồn cốt nguyên tác. Tuy nhiên, ở góc nhìn đời sống, “Kiều” điện ảnh đã phần nào chạm đến trái tim của những người phụ nữ đã trải qua ít nhiều biến cố và sóng gió trong tình yêu, hôn nhân, bởi chuyện phim xoay quanh mối tình tay ba giữa Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư. Còn dưới đôi mắt tổng quan và nhiều chiều của giới chuyên môn, “Kiều” vẫn mang những điểm sáng tích cực trong việc “mở đường” cho dòng phim cổ trang Việt. Với tâm thế cởi mở đón nhận “Kiều”, nhà báo Yến Lê viết: “Theo mình, nói nhiều - dù khen hay không - đã là một điều tích cực cho phim đó chứ. Quan trọng là “cái bột” đó sẽ “nên hồ” hay “nên bùn”, ngoài bản lĩnh của người cầm trịch dự án, ngoài yếu tố thiên thời địa lợi, còn có một chút ảnh hưởng từ tâm thái của người thưởng thức, của cả người làm nghề nói chung nữa. Cái nể đầu tiên là ở việc quyết định chỉ chọn một lát cắt nhỏ để khai thác. Nếu không có sự sắt đá cần thiết, người ta sẽ dễ bị rối trong thế trận của Truyện Kiều. Nếu là biên kịch non tay, chưa chắc đã dám bảo vệ đến cùng ý đồ sáng tạo của mình. Xem Kiều, mình không yêu không chán, chỉ thấy mừng. Ít nhất những tác phẩm cổ trang như Kiều được đầu tư tâm huyết với số tiền không nhỏ. Và người ta đã có ý nguyện tốt, người ta đã trọn vẹn với chính họ rồi”. Bối cảnh là một trong những điều khiến nhà sản xuất luôn tự hào khi nhắc đến bởi sự đầu tư rất chỉn chu. Phim điện ảnh “Kiều” được bấm máy ở 6 tỉnh, thành phố trải dài khắp cả nước và những không gian đắt giá nhất đã được chắt lọc đưa lên phim. Ông Đống Hoài Nam đã dành lời khen cho bối cảnh: “Tôi rất thích phong cảnh núi rừng trong phim Kiều. Nó quá đẹp! Cảnh ‘thâm sơn cùng cốc’, ‘sơn thủy hữu tình’ nơi Thúc Sinh đưa Kiều về đây sống đời chồng vợ quả là tuyệt đẹp. Nó vừa diễn tả đúng mối tình đắm say của Kiều - Thúc rất nên thơ, vừa diễn tả được khát vọng tự do, khát khao hạnh phúc của Kiều. Trong khung cảnh đó vẻ đẹp ngây thơ, kiều diễm của nàng Kiều rất ăn nhập. Bên cạnh đó những cảnh trên bến dưới thuyền, những khung cảnh núi non hiểm trở cũng là những bức tranh đẹp. Rồi ngôi nhà của Hoạn gia ‘thủy tọa’ thật sang trọng”. Nhận xét về cảnh nóng trong phim, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam chia sẻ: “Với phim ‘Kiều’ của đạo diễn Mai Thu Huyền, tôi thấy việc lựa chọn nội dung, tư tưởng của những người làm phim là mối tình tay ba, là khát vọng tình yêu và quyền sống, đã buộc phải có những cảnh ‘nóng’, với một liều lượng theo tôi thế là vừa phải. Và những cảnh quay về sự ân ái của các nhân vật có thể khẳng định là không hề có gì thô thiển, dung tục như dư luận đã phán. Tình yêu trai gái say sưa bộc lộ một cách hồn nhiên, giữa một không gian tràn ngập ánh nắng và cỏ hoa đã được nhà quay phim giàu kinh nghiệm thể hiện khá thành công, điện ảnh ta ít có! Phải chăng, cái ấn tượng phim ‘Kiều’ đã ‘phá’ Truyện Kiều khiến nảy sinh cái ác cảm có thể nói là bất công đối với những cảnh ‘nóng’ rất nghệ thuật đó của phim?”. Văn học và điện ảnh dù được xây dựng trên cùng một nội dung thì vẫn luôn có những giá trị sáng tạo riêng cho từng phạm trù nghệ thuật. Cảm thụ nghệ thuật của mỗi người lại thuộc về nền tảng cảm xúc, sở thích cá nhân nên ranh giới của hay - dở, đúng - sai vô cùng mong manh. Nhà văn Tô Hoàng cho rằng thật khó cho người làm phim khi mang “Kiều” điện ảnh và nguyên tác “Truyện Kiều” ra so sánh: “Không nên, không thể đi tới kết luận Kiều - Phim giống bao nhiêu phần trăm Kiều - Truyện? Hoặc làm sai lạc, làm méo mó nhân vật này, nhân vật kia ở chỗ nào? Hoặc nắn chỉnh sai, bịa đặt tình tiết này, mâu thuẫn khác so với chỗ nào trong Kiều- Truyện? Khi phỏng tác, người làm phim dành cho mình nhiều sự chủ động, nhiều điều chủ quan. Cái rào cản không thể vượt qua - thiết nghĩ chính là không thể phản lại được những gì đã trở thành kinh điển”. Thật ra, nét đẹp của Kiều, cái sắc sảo của Hoạn Thư hay chân dung các nhân vật trong Truyện Kiều thế nào, hàng trăm năm nay vẫn chỉ nằm trong trí tưởng tượng của con người. Vậy nên, tác giả kịch bản - NSƯT Phi Tiến Sơn, đạo diễn Mai Thu Huyền cùng ê-kíp thực hiện “Kiều” đã rất dũng cảm khi dám khai phá những điều thuộc về “ngôi đền thiêng liêng” Truyện Kiều. Đưa “Kiều” lên màn ảnh là thách thức lớn, để “Kiều” được khán giả đón nhận với tâm thế cởi mở nhất lại là một hành trình chinh phục nhiều gian truân của người sản xuất. Nếu nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền không thật sự vững vàng với tình yêu dành cho “Kiều”, hẳn đã chẳng giong buồm ra khơi! Bài: Hồng Vi - Ảnh: tư liệu đoàn phim Theo Ấn phẩm Kết nối Doanh nhân Tháng 5/2021 * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|