Bỏ việc tại Singapore, Thạch Thảo về Việt Nam làm 'bà cô Thị Nở' |
Thạch Thảo – bà cô Thị Nở thời hiện đại gây ấn tượng mạnh tại Tiếu Lâm Tứ Trụ. Thanh Thủy tự hào tìm được bản sao hoàn hảo của mình. Tập 5 Tiếu Lâm Tứ Trụ với chủ đề Trong nhà ngoài phố khép lại, sư phụ Thanh Thủy không khỏi tự hào với cô học trò mũm mỉm Thạch Thảo của mình khi xuất sắc “ôm” về giải thưởng nhất tuần với ba điểm 10 tuyệt đối từ ba vị thánh hài. Thạch Thảo là một trong những môn sinh đầu tiên của hài phái Trào phúng và được sư phụ Thanh Thủy tin tưởng giao vai trò “chị cả” trong nhóm. Thạch Thảo không hề làm sư phụ thất vọng khi thể hiện thành công vai con gái Việt Kiều âm thầm thay mẹ trả nợ ở Vòng thử thách và tiếp tục để lại ấn tượng với nhân vật bà cô Thị Nở đầy hài hước và duyên dáng trong đêm thi chủ đề đầu tiên. Với tiết mục Chuyện bà cô lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng Chí Phèo, học trò Thanh Thủy mang đến cho khán giả truyền hình một góc nhìn mới lạ và hóm hỉnh. Thạch Thảo viết lên một chuyện tình chưa ai biết của bà cô Thị Nở khi còn là một cô gái trẻ với những cảm xúc lần đầu biết yêu. Sự e thẹn, ngại ngùng và cũng có máu “hung tợn” của bà cô này được học trò Thanh Thủy lột tả hết sức đáng yêu. Sự duyên dáng, hài hước và khả năng xử lý tình huống sân khấu thông minh, Thạch Thảo nhận được lời khen từ sư phụ Hồng Vân: “Nhân vật bà cô Thị Nở này là một nhân vật mà tôi rất thích! Câu chuyện rất hay, em diễn rất duyên dáng”. Sư phụ Minh Nhí nhận xét: “Đây là nhân vật ít người khai thác mà con khai thác rất có duyên”.
Link clip tiết mục Lầm của Thạch Thảo – Thúy Vy – Thành Công Với kịch bản đầy sáng tạo này, Thạch Thảo chia sẻ về lý do chọn nhân vật bà cô Thị Nở: “Bản thân tôi không có nhiều cơ hội đóng vai chính nên tôi thích tìm hiểu những nhân vật phụ dưới nhiều góc cạnh để khai thác nhân vật sâu hơn, ấn tượng hơn”. Thạch Thảo tươi cười chia sẻ lại quá trình tập luyện: “Thời gian tập bài đa số là vào ban đêm có khi tập từ 9h đêm đến hơn 1h sáng mới xong”. Thế nhưng điều khó nhất trong tiết mục được Thạch Thảo chia sẻ đó là nói giọng miền Bắc vì Thảo sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, sư phụ Thanh Thủy cũng là người miền Nam nên Thạch Thảo đành “cầu cứu” hai vị sư phụ Hồng Vân và Đức Hải. Cô nàng hoạt bát này vui vẻ chia sẻ: “Lúc tập bài tôi làm “phiền” rất nhiều người quen nói tiếng Bắc để tập nói giọng miền Bắc như thế nào, phát âm, nhả chữ ra sao. Tôi còn nhờ cô Hồng Vân và thầy Đức Hải hướng dẫn cách nói giọng Bắc. Sư phụ bận quá tôi lại chuyển sang làm phiền thí sinh như anh Thái Sơn đội Tạp kỹ để anh chỉ tôi phát âm thế nào là đúng cũng như cầu cứu anh Xuân Nghị được anh hướng dẫn thêm rất nhiều”.
Link clip tiết mục Chuyện bà cô của Thạch Thảo Trong hài phái Trào phúng, Thạch Thảo chính là chị cả - đứa con lớn của sư phụ Thanh Thủy nên được sư phụ rất tin tưởng, Thạch Thảo ít bị quản thúc và trau chuốt nhiều bằng các em đồng môn. Chính vì thế Thạch Thảo cũng tự ý thức chủ động trong công việc cho sư phụ bớt lo lắng. Người chị cả - Thạch Thảo chia sẻ: “Vì là chị cả nên nhiều khi các em diễn cô chỉ góp ý, nhẹ nhàng uốn nắn chứ với tôi là cô la thẳng luôn”. Tình cảm của sư trò hài phái Trào phúng thân thiết như người trong gia đình và những môn sinh đều coi nhau như chị em đều gọi thánh hài Thanh Thủy bằng “mẹ” một cách thân thương. Vì thương “mẹ Thủy” nên “đứa con đầu” như Thạch Thảo luôn ý thức được bản thân rằng: “ Vì biết mẹ bận phải chăm chút tiết mục của các em trong đội nên tôi luôn chủ động lên ý tưởng kịch bản, mảng miếng hài, ý tứ diễn xuất của mình và mẹ chỉ hướng dẫn thêm khi chạy kỹ thuật, âm thanh”.
Có ai nghĩ rằng cô nàng chị cả này tốt nghiệp ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn tại Singapore và có một năm làm việc tại đảo quốc xinh đẹp ấy. Thạch Thảo chia sẻ cơ duyên đưa cô đến với nghề: “Có một lần về Việt Nam, tôi cùng bạn đi xem kịch thì vô tình thấy tuyển sinh nên đăng ký thi thử không ngờ đậu thật nên theo học luôn”. Ai ngờ rằng với cơ duyên đó từ một thực tập sinh với tương lai rộng mở Thạch Thảo rẽ ngang theo một hướng đi khác và chọn sân khấu là nơi cô theo đuổi đến cùng. Thạch Thảo thật thà chia sẻ về “bước rẽ” đó của mình: “Lúc đó tôi đã làm việc bên Singapore rồi nhưng vẫn giấu gia đình theo học tại sân khấu kịch. Thời gian đó tôi thường xuyên trốn gia đình bay từ Singapore về Việt Nam để học và đi diễn”. Tính đến nay Thạch Thảo đã ăn cơm nghệ thuật được 5 năm và vẫn đang tiếp tục chinh phục những chặng đường tương lai phía trước. Thế nhưng, để nhận được sự ủng hộ này Thạch Thảo đã mất một thời gian rất dài để thuyết phục gia đình, cô nàng chia sẻ: Lúc đầu mẹ tôi buồn dữ lắm, cấm cản không cho theo sân khấu nhưng tôi lỳ và quyết tâm dữ quá nên dần dà thuyết phục được mẹ”. Thạch Thảo còn hóm hỉnh “kể xấu” mẹ mình rằng chưa bao giờ khen con gái và đi xem cô diễn nhưng vẫn luôn khoe con với bạn bè xung quanh. Là đứa con lớn chăm chỉ và giỏi giang của “mẹ Thanh Thủy” và chị lớn của các em trong gia đình Trào phúng, nhưng với cuộc sống ngày thường Thạch Thảo vốn không đủ đầy tình yêu như thế khi phải sống xa cả bố và mẹ từ khi còn rất nhỏ. Cô gái lúc nào cũng vui tươi, yêu đời này chia sẻ về gia đình ít ai biết của mình: “Từ khi tôi sinh ra bố mẹ đã không còn sống chung với nhau. Mẹ làm việc tại Đà Nẵng, bố định cư tại Mỹ, từ nhỏ tôi đã sống với gia đình của dì ruột”. Có lẽ vì thiếu thốn tình cảm gia đình nên đến nay hình ảnh Thạch Thảo trong mắt bạn bè xung quanh luôn là một cô gái trẻ tự lập và đầy mạnh mẽ. “Lúc nhỏ nhiều khi cũng thắc mắc sao mình không có bố như bạn bè nhưng khi lớn hơn một chút hiểu chuyện rồi tôi cũng không còn buồn nhiều nữa. Từ bé đến lớn tôi chỉ gặp bố được 3 lần khi bố về Việt Nam và giờ thì cũng không còn cơ hội gặp vì bố cũng đã đi xa rồi”, Thảo tâm sự. Thạch Thảo bên ngoài lúc nào cũng hoạt bát, nhanh nhẹn, cười nói vui vẻ nhưng sâu bên trong vẫn là bản chất vốn dĩ của mọi cô gái đều mỏng manh, yếu đuối với những nỗi niềm riêng. Nhắc về tuổi thơ của mình, Thạch Thảo cũng không thể quên được hình ảnh của một cô bé mập mạp khao khát có được một tình bạn thật sự. Thạch Thảo chia sẻ từng rơi vào tình trạng tự kỷ vì sợ bạn bè xa lánh không chơi với mình. Nhắc về quãng thời gian ấy, Thảo vẫn cười cho tính trẻ con của mình: “Hồi nhỏ bạn bè suốt ngày chọc là con nhỏ mập này kia tôi buồn lắm nhưng sợ không có bạn nên vẫn chơi chung. Tôi từng lén lấy đồ ăn, trái cây ở nhà mang lên cho bạn như một cách lấy lòng để bạn chơi với mình. Lên cấp 2, tôi ý thức được giá trị bản thân và không tự ti nữa từ đó tôi cũng tìm được những người bạn thân đến tận bây giờ”. Có ai ngờ về sau chính ngoại hình “hoành tá tràng” như thế này lại nhận được lời khen từ sư phụ Đức Hải: “Với ngoại hình như thế nhưng mỗi biểu cảm, diễn xuất của con đều rất duyên dáng, nhanh nhẹn”. Không còn tự ti về ngoại hình, “bé mập” Thạch Thảo của sư phụ Thanh Thủy cười lớn hóm hỉnh nói: “Tôi thấy may mắn về ngoại hình của mình vì bên ngoài diễn viên đẹp nhiều lắm sự lựa chọn cạnh tranh nhiều hơn, trong khi ngoại hình như tôi và biết diễn nếu có vai phù hợp thì sẽ có nhiều có hội đến với mình hơn”. Ai đã tiếp xúc với Thạch Thảo đều cảm nhận được nguồn năng lực tràn trề và nhiệt huyết cháy bỏng của cô gái trẻ này. Thạch Thảo vẫn đang là một ẩn số đầy tiềm năng cho ngôi vị quán quân của Tiếu Lâm Tứ Trụ năm nay khi nhận được đánh giá cao từ chuyên môn của bốn vị thánh hài về độ duyên dáng, tài năng và bản lĩnh sân khấu. Tiếu Lâm Tứ Trụ tập 6 với chủ đề Ngày xửa ngày xửa được phát sóng vào 21 giờ thứ tư ngày 20/12 trên kênh THVL1. HBT - Ảnh: Hoàng Khôi - Nguồn: Jet Studio Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|