Tết ghé đầm Thị Tường thưởng thức đêm xuân |
Cuối chuyến công tác miền Tây thăm hỏi chúc Tết khách hàng dịp năm mới, mấy anh em trong đoàn quyết định đến đầm Thị Tường (Cà Mau), dù chưa ai tới bao giờ. Hoàng hôn trên đầm Thị Tường - Ảnh: Website huyện Trần Văn Thời Địa danh này nào giờ cũng chỉ nghe nói, đọc qua trong tùy bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng Đất Mũi, ai nấy cũng đều háo hức. Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường) là đầm nước tự nhiên tại tỉnh Cà Mau, nằm giáp ranh giữa hai huyện Trần Văn Thời và Phú Tân. Đây là đầm nước có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mệnh danh là "biển hồ giữa đồng bằng", nằm cách thành phố Cà Mau 40km về hướng tây nam. Chúng tôi cứ phải vừa chạy xe, vừa tra Google map, vừa điện thoại hỏi đường vòng vòng. May sao, lại tìm được đúng số điện thoại của anh phụ trách khu du lịch ẩm thực trên đầm. Vậy là cả đoàn được anh chỉ đường đi cặn kẽ, hướng dẫn chi tiết. Ngó vậy, mà cũng phải hơn chục cuộc gọi qua lại, xe chạy lố qua chỗ rẽ, trở tới lui 2-3 bận mới đến được nơi cần đến. Gửi xe vào sân gạch của một nhà người quen (do anh chủ giới thiệu), chúng tôi lục tục leo lên chiếc vỏ lãi bằng nhựa composite lúc trời đã nhá nhem tối, giơ bàn tay lên trước mặt không còn thấy gì. Anh Ba Hùng - người hướng dẫn chúng tôi qua điện thoại - đã dặn kỹ cứ đậu xe ở sân đó, sẽ có người từ đầm chạy vỏ lãi vào rước ra. Chiếc vỏ lãi trong đêm trên đầm Thị Tường (Cà Mau) - Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH Chiếc vỏ lãi xoay đầu rời bờ rồi đâm thẳng ra giữa đầm nước giữa màn đêm tịch mịch. Xung quanh tối đen, mênh mang toàn nước là nước. Cả đoàn 6 người lạ nước lạ cái đúng nghĩa, ngồi riu ríu trên chiếc vỏ lãi đang được anh tài công điều khiển lao nhanh như tên bắn. Cảm giác vừa sợ, vừa thích, vừa háo hức khám phá cái mới đã khiến đoàn chúng tôi có những trải nghiệm khó thể nào quên. Do ai cũng lần đầu đến, mọi người đều tranh thủ hỏi thăm thêm anh tài công về đầm Thị Tường. Tôi biết thêm đầm được bồi lắng bằng phù sa sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc cùng nhiều kinh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước (Cà Mau). Nơi rộng nhất đầm khoảng 3km, dài 10km, diện tích mặt nước khoảng 700ha. Đầm Thị Tường này vốn là một đầm nước cạn, chỗ sâu nhất tối đa cũng chỉ khoảng 1 mét, mùa khô tháng tư có chỗ còn khoảng 20cm nước. Nghe đến vụ mực nước, mọi người ngồi trên vỏ lãi nhỏ bé giữa đầm cũng yên tâm phần nào! Chạy ngoằn ngoèo trên mặt đầm một hồi, cuối cùng chiếc vỏ lãi cũng tấp vào một ngôi nhà gỗ dựng cao giữa đầm, cách mặt nước tầm 2 mét. Chúng tôi níu nhau leo lên, đi theo đường dẫn để vào ngôi nhà nổi, bên dưới là những ô lưới quây sẵn các loại cá, tôm, ốc còn tươi sống búng tanh tách - là những sản vật khai thác được từ đầm để phục vụ cho "nhà hàng ẩm thực" này. Gọi là nhà hàng cho sang, đây chỉ như một ngôi nhà sàn bằng gỗ đóng sơ sài giữa đầm để phục vụ cho việc khai thác du lịch. Chúng tôi tranh thủ rảo một vòng quanh để ngắm nghía. Cũng theo lời anh tài công, đầm Thị Tường đẹp nhất là vào lúc sáng sớm và hoàng hôn. Bây giờ thì xung quanh mênh mông nước, trời lại tối đen như mực, không cách nào biết được hướng vô… Gió xuân lồng lộng thổi trên mặt đầm nghe mát rượi. Không ai bảo ai, tất thảy đều cảm thấy tiếc vì đã không được ra đây sớm hơn, để có dịp chứng kiến hoàng hôn trên mặt đầm, sẽ có được những tấm hình chill chill hơn. Sau hồi hỏi thăm anh Ba Hùng, nghe giới thiệu sơ về đầm Thị Tường, thì nhà bếp bắt đầu dọn món lên. Các món ăn chế biến gọn gàng mà ngon mắt, đúng vị, giá cả lại vừa phải. Chúng tôi hầu như ai cũng mệt và đói sau chuyến đi dài cả ngày từ TP.HCM xuống nên ăn uống ngon lành vui vẻ. Cảm giác ăn món được đánh bắt tại chỗ, tươi rói, thêm vào đó là không khí lộng mát của ngôi nhà trên đầm mà khó có điểm du lịch trải nghiệm nào mang lại được. Dùng bữa xong, nghỉ ngơi chút, chúng tôi lại được chiếc vỏ lãi ban nãy đưa vào bờ, trở về nơi cũ. Đảo một vòng tròn như chào "nhà hàng nổi", chiếc vỏ lãi lại băng vào đêm đen, cho đến khi ánh sáng đèn trên nhà hàng biến mất, chúng tôi mới cập lại bến, nơi đậu xe ban chiều. Đêm về thành phố Cà Mau, lục lọi trên mạng Internet đọc thêm về đầm Thị Tường, đọc lại tác phẩm của cô nhà văn Đất Mũi, tôi lại thêm yêu thêm quý vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nơi để lại những khoảnh khắc Tết Giáp Thìn khó thể nào quên! Các hộ dân làm du lịch tự phát trên đầm Thị Tường - Ảnh: VOV Ngày 24-2 (rằm tháng giêng) là hạn cuối nhận bài cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi” Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè. Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video. Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân. Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau. Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua. Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến. Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. . Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng). Chương trình có sự đồng hành của HDBank. (Nguồn:tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|