Người miền Tây đổ bánh xèo ăn Tết Đoan ngọ |
Ở miền Tây Nam Bộ, bánh xèo từ lâu gắn liền với dịp Tết Đoan ngọ. Đây cũng là món ăn hiện diện trong nhà nhà người dân miền Tây, mang ý nghĩa sum họp, hội tụ gia đình.
Những cái bánh xèo vàng ươm vừa hoàn thành - Ảnh: Đ.TUYẾT Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) ở miền Tây, nhà nhà đổ bánh xèo, các cô dì đến chùa phụ giúp đổ bánh xèo đãi khách ăn miễn phí. Nổi tiếng nhất tại vùng Bảy Núi, An Giang có chùa Bánh Xèo, du khách về vùng này quanh năm đều có thể ăn bánh xèo miễn phí, ngày lễ Tết, dịp rằm sân chùa chật kín người, thợ đổ bánh làm không ngơi tay. Huy động cả nhà cùng làm bánh xèo Bọn trẻ chúng tôi lúc nhỏ không thích ăn bánh xèo vì quá nhiều rau xanh. Mỗi khi bà và mẹ còn tất bật trong bếp thì anh chị em tôi xách tô xếp hàng chờ xin những cái bánh bị bể, mẻ góc nóng hổi vừa ra lò, cùng chạy ra góc sân ngồi ăn ngon lành. Chúng tôi lớn lên từ chái bếp của bà và mẹ, bên những món bánh làm từ bột luân phiên quanh năm, nào là bánh bò, bánh đúc, bánh bao, bánh lọt… Tết nửa năm (Tết Đoan ngọ) đương nhiên có bánh xèo. Chị Hai lớn nhất nhà được giao nhiệm vụ xay bột, những giọt bột trắng tinh, thơm mùi sữa để sẵn khi trời tờ mờ sáng. Đứa em nhỏ nhất nhà được bà giao lặt rau, rau thơm, rau diếp cá, cải xanh, cải xà lách… để riêng từng loại. Anh Hai sẽ đi vô đồng dọc bờ sông tìm hái đọt bằng lăng, chọn những đọt non, không có sâu rầy bám dính, đem về không cần rửa, để ăn luôn. Đổ bánh xèo tròn đều vàng giòn là một nghệ thuật Bà pha bột gạo với nước cốt dừa, hành lá, bột nghệ theo kinh nghiệm để làm ra bánh. Còn mẹ xắt củ sắn, củ cải đỏ trộn với giá và tôm thịt… đem xào chín nêm nếm vừa vị làm nhân bánh. Tôi lúc nào cũng hãnh diện vì được ngồi vào vị trí quyết định sản phẩm cuối cùng có đẹp mắt hay không: công đoạn cuốn bánh xèo. Sau khi bà và mẹ tráng bánh xèo chín để ra mâm, tôi và chị Hai ngồi hai bên đón lấy, đặt nhân vào giữa, rồi cuốn lại giống như cuốn chả giò. Phải cuốn sao cho những cái bánh đều nhau, cân đối vừa bột vừa nhân, không để còn dư bột quá nhiều mà nhân đã hết. Một cách làm bánh xèo có thể đổ cùng lúc 10 cái bánh phục vụ nhiều người ăn Thi ăn bánh xèo nhà làm Bằng cách cuốn như trên, mỗi đĩa sẽ chất đầy từ 6 - 10 cái bánh, sau đó chị em tôi tỏa ra đem bánh đi cho bác Hai, bác Ba trong xóm. Còn tại các quán bánh xèo thường để mỗi đĩa hai cái bánh xếp đôi lại, không cuốn gọn ghẽ như nhà làm, vừa nhanh vừa thấy cái bánh to đầy đĩa lớn. Nước mắm ăn bánh xèo có vị chua ngọt, có cay nồng của tỏi ớt, kèm thêm dưa chua củ cải xắt sợi nhuyễn ngâm vào. Đặc biệt nước chấm pha thật loãng, đủ vị, để khi chấm cuốn bánh xèo ngập rau vào ăn xong lại muốn ăn nữa. Đến trưa, cả nhà quây quần bên mâm bánh xèo chất đầy vun, đầy đủ rau xanh các loại. Lại có cuộc thi ăn bánh xèo diễn ra giữa các anh chị em tôi, năm nào anh Hai cũng là người "chiến thắng" tuyệt đối với thành tích ăn hết 10 cái. Bánh xèo len lỏi vào đời sống của người dân miền Tây như thế, ở đó có bà và mẹ luôn tất bật, có anh chị em tôi khôn lớn trưởng thành và luôn muốn được quay trở về dù chỉ để cùng nhau ăn một bữa thỏa lòng. Một bàn đầy bánh xèo phục vụ du khách Theo bà Nguyễn Thị Nga - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, bánh xèo từ lâu gắn liền với dịp Tết Đoan ngọ, là món ăn không thể thiếu của người dân miền Tây. Đây là món ăn mang ý nghĩa sum họp, hội tụ gia đình, nhiều người làm, nhiều người ăn. Thời điểm này đang chuyển mùa, có mưa xuống, rau xanh tốt thích hợp ăn bánh xèo. Một gia đình đi ăn bánh xèo dịp mùng 5 tháng 5 (Nguồn tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|