top-banner-2

Doanh nghiệp Thứ hai, 03/12/2018, 08:43 GMT+7
Tránh lạm quyền tiếp cận thông tin người nộp thuế

Việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế là cần thiết nhưng cần xác định rõ phạm vi cung cấp thông tin phù hợp.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có đưa ra quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Cụ thể, khoản 2 Điều 98 quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.

tai-khoan-ngan-hang-kndn

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan quản lý thuế (Ảnh: KT)

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động. Hiện nay đã có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai.

"Hiện cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của ngân hàng", đại diện Vụ Chính sách thuế khẳng định.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu và tăng cường quản lý, giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế như: mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế, đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.

"Nội dung quy định như dự thảo Luật về nhiệm vụ, trách nhiệm của ngân hàng thương mại đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước", ông Huy nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, quy định Ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng cho cơ quan quản lý thuế là việc mà hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đều làm. Điều này góp phần cho việc thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu và các nguồn chi của các tập thể, cá nhân để từ đó cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý được.

Thời gian qua, nhiều cá nhân có doanh thu từ các trang mạng xã hội như facebook, google, youtube… với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng/năm nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế do cơ quan thuế không quản lý được thuế thu nhập của các cá nhân đó, dẫn tới việc thất thu thuế.

Image result for PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính

“Việc ngân hàng liên thông cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng cho cơ quan quản lý thuế sẽ giúp tạo sự công khai, minh bạch, tạo tiền đề cho việc đánh thuế bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế một cách thoả đáng và đảm bảo tính liêm minh của pháp luật thuế. Đồng thời, cũng đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với xã hội”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo PGS. Thịnh, việc ngân hàng cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng cho cơ quan quản lý thuế không ảnh hưởng gì tới thông tin của cá nhân hay lộ bí mật kinh doanh của ngân hàng. Việc cung cấp thông tin này góp phần công khai, minh bạch thu nhập của mỗi người, từ đó góp phần tránh những khoản thu nhập bất chính, kinh doanh bất hợp pháp, tham nhũng… trong nền kinh tế quốc dân.

“Việc cung cấp thông tin này đáng ra phải làm lâu rồi chứ không phải bây giờ mới làm”, PGS. Thịnh cho hay.

Cần tránh tùy tiện, lạm quyền

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, quy định này trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chưa bảo đảm tính minh bạch do không nêu rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu Ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin. Đồng thời, cũng chưa thuyết minh rõ được yêu cầu này căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như dự luật, có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.

“Quan hệ giữa ngân hàng và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, Ngân hàng phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NH không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, đây là một quy định đúng và hợp lý. Bởi chức năng quan trọng nhất của cơ quan quản lý thuế là thu thuế và chống trốn thuế. Về nguyên tắc chung, tất cả các cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, gian lận. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần nêu rõ ai được phép truy cập dữ liệu này, nếu không tình trạng bán thông tin khách hàng sẽ xảy ra.

“Cơ quan thuế có thể yêu cầu cung cấp số dư tài khoản tính đến ngày nào, giờ nào. Còn việc cung cấp thông tin giao dịch nên đưa vào trường hợp đặc biệt. Cơ quan thuế có thể yêu cầu khấu trừ tiền trong tài khoản, phong tỏa tài khoản nhằm đạt được mục tiêu thu thuế. Còn nếu cơ quan thuế được yêu cầu cung cấp chi tiết nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch thì lại trở thành điều tra. Chỉ trừ các trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc của ngành thuế, hải quan, cơ quan thuế mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết như vậy”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Theo Cẩm Tú - vov.vn - 03/12/2018

Link nguồn: https://vov.vn/kinh-te/tranh-lam-quyen-tiep-can-thong-tin-nguoi-nop-thue-845610.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon