top-banner-2

Doanh nghiệp Thứ hai, 31/07/2023, 14:24 GMT+7
Miền Bắc lại tiêu thụ điện cao kỷ lục

Lượng tiêu thụ điện cao kỷ lục nhưng do chủ động nguồn cung nên không có cảnh thiếu điện triền miên ở miền Bắc.

Ngày 31/7, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong các tuần tới, dự báo miền Bắc không phải tiết giảm điện nếu không xảy ra các tình huống cực đoan, hệ thống điện miền Bắc cũng không phải khống chế công suất khả dụng dù lượng tiêu thụ tăng mạnh.

Theo Cục Điều tiết điện lực, trong hơn hai tuần qua, nhiệt độ miền Bắc tăng mạnh trở lại, kéo theo nhu cầu sử dụng điện lập kỷ lục mới, trong đó, tiêu thụ điện tại Hà Nội ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.

"Do nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện miền Bắc đạt sản lượng cực đại ngày là 477,9 triệu kWh, tăng 14,3 triệu kWh so với tuần trước. Công suất cực đại đạt 23.568 MW, tăng 1.208 MW, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc lập mức đỉnh cao nhất là trưa 18/7", ông Hòa cho biết.

Tiêu thụ điện của miền Bắc tăng kỷ lục. (Ảnh minh họa)

Tiêu thụ điện của miền Bắc tăng kỷ lục. (Ảnh minh họa)

Tại Hà Nội, nắng nóng kéo dài đã dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng rất cao, phần lớn do người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Trong đó, ngày 27/7, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đạt mức hơn 101 triệu kWh, vượt gần 1 triệu kWh so với sản lượng điện tiêu thụ cao nhất năm 2022.

Tuy nhiên, do phụ tải miền Trung và miền Nam giảm cả về sản lượng và công suất so với tuần trước nên phụ tải toàn quốc giảm. Nhờ vậy, dù nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc tăng cao nhưng việc cung ứng điện cho miền Bắc vẫn được đảm bảo.

Theo Cục Điều tiết điện lực, tuần qua, các nguồn điện đã được huy động hợp lý để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện toàn quốc. Tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả điện nhập khẩu đạt 5,818 tỷ kWh, trung bình ngày đạt 831,1 triệu kWh.

Riêng ngày 30/7, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 738,1 triệu kWh, giảm 92,9 triệu kWh; Công suất đỉnh toàn hệ thống đạt 33.842 MW, giảm 5.699 MW; Công suất đỉnh miền Bắc đạt 18.547 MW, giảm 2.322 MW.

Lượng điện tiêu thụ ngày 30/7 đã giảm so với ngày 29/7.

Lượng điện tiêu thụ ngày 30/7 đã giảm so với ngày 29/7.

Về tình hình huy động năng lượng tái tạo ngày 30/7, huy động điện gió 45,7 triệu kWh, điện mặt trời 45,4 triệu kWh.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đến ngày 31/7 đã huy động 20 dự án nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1290,12 MW, 14 nhà máy với tổng công suất 686,12 MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.

Về sự cố nhiệt điện than, tổng sự cố dài ngày 1120 MW (S6 Phả Lại 2: 300MW, S1 Vũng Áng 600MW, Phả Lại 1 220MW).

Thực tế vận hành do nhiều nguyên nhân như sự cố tổ máy khiến suy giảm công suất nhiệt điện than, sự cố lưới truyền tải, hạn chế huy động nguồn thủy điện để dự phòng những ngày nắng nóng tiếp theo...nên công suất khả dụng thực tế tại nhiều thời điểm không đạt công suất phát lớn nhất.

“Hệ thống điện miền Bắc đã trở lại trạng thái vận hành bình thường, tình hình cung cấp điện trong các tuần tới dự báo không phải tiết giảm nếu không xảy ra các tình huống cực đoan, hệ thống điện miền Bắc không phải khống chế công suất khả dụng (tiết giảm)”, ông Trần Việt Hòa nói.

Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT), ngày 31/7, lưu lượng nước hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ nhiều; Khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên nhiều, tăng nhẹ so với hôm qua.

Mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ thấp, tăng nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ; Khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ.

Các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành; Khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đang nâng cao mực nước hồ chứa, phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành.

 (Nguồn: Vtc.vn)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon