top-banner-2

Doanh nghiệp Thứ tư, 03/04/2024, 10:22 GMT+7
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%. 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Kịch bản 2 là tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%. 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Dựa trên những dự báo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ...để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.

hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2024

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/4. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét, GDP quý I đã tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.  

Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương tăng trưởng quý I cao là Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TP.HCM (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)… 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; chỉ số tồn kho giảm mạnh, thu hút FDI đạt cao, hoạt động kinh tế-xã hội sôi động hơn…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Đặc biệt, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

Do đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở...bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.

Cùng với đó, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

 (Nguồn: Vtc.vn)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

metro-sai-gon