Khác biệt và bản sắc riêng trong quản lý nhân lực của DN Phạm Thị Yến Nhi |
Với những triết lý kinh doanh táo bạo và chú trọng trong việc đào tạo nhân sự, Doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi – TGĐ Công ty Giải trí Mầm trúc Tanabata tin tưởng trao cơ hội cho nhân viên được bồi dưỡng và phát huy năng lực làm việc. Nhờ giải pháp này mà Tanabata đã có chiều sâu về nguồn nhân lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ. Tanabata là công ty kinh doanh chuỗi quán bar theo phong cách Nhật Bản do doanh nhân Yến Nhi sáng lập. Do hoạt động trong lĩnh vực có sự cạnh tranh cao, nhất là về mặt nhân sự, công ty đã gặp phải một số thách thức. Bà chủ Yến Nhi bộc bạch: “Khi tôi quyết định bỏ công sức ra để đào tạo nhân viên, tôi hiểu rằng trong 100 người sẽ chỉ có 1 người ở lại gắn bó lâu dài… 99 người còn lại đều có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Tanabata”.
Nữ TGĐ của Tanabata chia sẻ thêm: sau 1 năm hoạt động, mô hình của Tanabata đã bị chính nhân viên cũ trong công ty mang đi sao chép khắp nơi. Các quán bar của Yến Nhi sau đó dần trở nên vắng khách, tình hình kinh doanh lỗ chồng lỗ. Nhân viên thay nhau “dứt áo ra đi” tìm “bến đỗ” mới... Sự việc xảy ra đã “giáng” một đòn đau cho nữ doanh nhân trẻ tuổi. Cô không khỏi băn khoăn về phương án đào tạo nhân sự cho công ty. “Một là tôi sẽ giữ công thức gây dựng quán chỉ riêng cho bản thân, giống như một người thầy thuốc có bài thuốc độc quyền của mình và bệnh nhân chỉ có thể tìm đến ông ta để chữa bệnh. Hai là tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức, kĩ năng với nhân viên nhưng phải tìm ra cách nào đó để cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ của mình”. Với bản lĩnh của mình, Yến Nhi đã lựa chọn phương án thứ hai. “Muốn tồn tại về lâu về dài trên thương trường, tôi không thể chỉ “đi” một mình. Nhưng đã đến lúc tôi cần xây dựng sự khác biệt với đối thủ. Tôi quyết định đẩy mạnh vào chính yếu tố con người để làm nên sự khác biệt đó”. Để làm được điều này, cô chủ động tìm thêm đối tác nhằm củng cố nguồn lực. Sau đó, công ty tập trung nâng cao năng lực và thái độ làm việc cho nhân viên. Dần dần, khách hàng đến với Tanabata đều công nhận sự phục vụ chất lượng, có bản sắc riêng của quán.
Doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi - Sáng lập kiêm TGĐ Công ty Giải trí Mầm Trúc Tanabata Thế nhưng, điều không mong đợi là cuộc hợp tác giữa Yến Nhi và đối tác không thể duy trì được lâu. Đến khi phát triển được chuỗi 20 cơ sở, giữa hai bên không còn chung quan điểm điều hành, sau rồi thì… “đường ai người nấy đi”. Tanabata của Yến Nhi không tránh khỏi một phen lao đao. Số lượng nhân sự xin nghỉ để đi theo đối tác cũ lên đến một nửa. Dù đã lập tức tuyển mới nhưng công ty vẫn không thể thuyết phục được những vị khách quen. Có người chê nhân viên “non nớt”, có người nghi ngờ chất lượng phục vụ của Tanabata sau khi “tan đàn xẻ nghé” không còn được như lúc trước. Sau khi rà soát lại toàn bộ, Yến Nhi nhận thấy nhân sự ở lại với Tanabata trong cơn khủng hoảng tuy không nhiều nhưng đều là những người “bền gan” và có tinh thần học hỏi. Do đó, bên cạnh những phương án xây dựng thêm tệp khách hàng, sửa sang lại cơ sở vật chất... nữ CEO của Tanabata quyết định đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhân sự. Cô thực hiện chủ trương đào tạo một nhân viên có thể đảm nhiệm nhiều vai trò nhằm tiết giảm chi phí cũng như tận dụng được nguồn nhân lực. Công ty áp dụng chế độ định kỳ luân chuyển nhân sự giữa các cơ sở để chất lượng phục vụ của Tanabata đảm bảo mặt bằng chung. Sau một thời gian, những nhân viên có năng lực nổi trội được công ty cân nhắc lên các vị trí quản lý cấp trung. Họ nhận được mức đãi ngộ tốt cũng như được trao cơ hội tham gia các khoá học để nâng cao trình độ. Những nhân sự tài năng đó đến nay đều đã cam kết gắn bó lâu dài và trở thành lực lượng nòng cốt cùng Yến Nhi kiến tạo sự phát triển bền vững cho công ty. Có thể khẳng định Tanabata đã phát triển được chiều sâu về mặt nhân sự mà ít có công ty kinh doanh mô hình quán bar giải trí nào làm được! Đây là điểm khác biệt để Yến Nhi cùng các cộng sự tự tin khẳng định sự khác biệt vượt trội so với đối thủ. Ông Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ: “Doanh nghiệp muốn đi được đường xa thì cần chú ý phát triển năng lực cốt lõi. Năng lực cốt lõi mà CEO Yến Nhi đang hướng tới chính là vấn đề quản trị nhân sự, mà cụ thể là tập trung bồi dưỡng đội ngũ nhân sự”.
Doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi (ở giữa) tham gia “Những câu chuyện thật” của CEO – CKTC trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng Gia Media Group và Thời trang OWEN thực hiện) Ông Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Tài Chính, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM chia sẻ: “Có nhân sự “mạnh” về thái độ cầu tiến, có người lại rất giỏi về kĩ năng. CEO Yến Nhi đã tài tình khi biết cách trao cơ hội để phát huy năng lực của nhân sự trong công ty, tạo một tập thể gắn kết để cùng đưa Tanabata vượt qua thời kỳ khó khăn”. Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, kính mời quý vị độc giả đón xem chương trình “Những câu chuyện thật” của CEO Chìa khóa thành công với câu chuyện “Thành bại đều tại con người” cùng sự xuất hiện của doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi – Sáng lập kiêm TGĐ Công ty Giải trí Mầm Trúc Tanabata. Chương trình đã được đăng tải trên kênh Youtube CEO – Chìa khóa thành công!
Hồng Liên Theo ấn phẩm Kết nối doanh nhân Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|