Ông Phan Văn Mãi: Chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu cấp thiết với TP.HCM |
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. Thông tin được ông Phan Văn Mãi nêu tại Hội nghị Đối thoại Hữu nghị năm 2024 do UBND TP.HCM chủ trì, sáng nay 24/9. Tham dự Hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng hơn 35 đoàn đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM. Năm nay, TP.HCM chọn chủ đề hội nghị đối thoại "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác", nhằm thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương kết nghĩa trên thế giới; quảng bá về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: N. Thảo) Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu". Theo ông Phan Văn Mãi, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao của TP.HCM chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP. Mục tiêu của thành phố là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030. Qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia, mà còn củng cố vị thế dẫn đầu trong cả nước và khu vực. Cùng với đó, TP.HCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để đáp ứng xu hướng toàn cầu hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Ông Mãi cho rằng thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương. Tuy nhiên, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ, TP.HCM cam kết tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. "Thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn", Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn mãi cùng các lãnh đạo TP.HCM tại phiên Hội nghị thị trưởng sáng 24/9. (Ảnh: N. Thảo) Tại phiên Hội nghị Thị trưởng với sự tham dự của 16 Thống đốc, Tỉnh trưởng, Thứ trưởng của các địa phương, bộ, ngành quốc tế sáng nay, ông Kim Young-hwan, Thống đốc tỉnh Chungcheongbuk - Hàn Quốc, cho biết TP.HCM có rất nhiều điểm tương đồng với tỉnh Chungcheongbuk của Hàn Quốc, vì cùng là trung tâm phát triển kinh tế, khoa học công nghệ hiện đại nhất. Cũng là địa phương dẫn đầu, là trung tâm sáng tạo, trung tâm công nghiệp tiên tiến của cả nước, nên 2 địa phương có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển và chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Một trong những vấn đề ông Kim Young-hwan chia sẻ với TP.HCM là câu chuyện thất nghiệp ở đô thị. Ông cho biết tỉnh Chungcheongbuk có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất Hàn Quốc và người lao động có thu nhập đồng đều, được hỗ trợ nhiều yếu tố phúc lợi xã hội. Ngoài làm việc tại các tập đoàn lớn có thế mạnh của địa phương như sản xuất pin năng lượng, mỹ phẩm… tỉnh này có chủ trương thu hút lao động dôi dư ở đô thị chuyển về nông thôn làm việc tại các khu nông nghiệp công nghệ cao. Chính phủ hỗ trợ nông dân trả lương thêm để thu hút lao động đô thị về nông thôn, người lao động đô thị về nông thôn làm việc được nhiều ưu đãi về lương, các phúc lợi y tế, giáo dục... Đây là một bí quyết giúp địa phương cân đối việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1.500 tỷ USD vào năm 2030. Còn theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh. (nguồn: vtcnews.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|